Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết, hợp tác
Vẫn còn tiềm năng, lợi thế
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, An Giang là một trong những tỉnh có lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL. Đến nay, các ngành hàng chủ lực (lúa, cá tra, rau màu) và các ngành hàng tiềm năng (cây ăn trái, bò thịt, heo công nghệ cao, nấm ăn...) đã hình thành các vùng chuyên canh có liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và người sản xuất, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Qua đó cho thấy, phát triển kinh tế nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế An Giang.
“Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển kinh tế nông nghiệp vẫn còn thiếu bền vững, tăng trưởng nông nghiệp chưa như mong đợi. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản của tỉnh phải được nâng cao hơn nữa” - ông Nguyễn Sĩ Lâm đánh giá.
Nhằm hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, có tính căn cơ, lâu dài, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 152/QĐ-UBND, ngày 14/2/2023 phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang.
Đề án thống nhất quan điểm xác định nông nghiệp là nền tảng, là “lõi kinh tế” của tỉnh. Tỉnh phát triển nông nghiệp phải gắn chặt với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy khát vọng vươn lên làm giàu từ nội lực của chính nông dân, giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn, giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân, giảm thiểu bất bình đẳng và đảm bảo mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển.
Nông dân được xác định là chủ thể quan trọng trong quá trình thực hiện cơ cấu nông nghiệp. Tỉnh sẽ có giải pháp thu hút DN đầu tư vào chuỗi liên kết phát triển sản xuất - chế biến - tiêu thụ, là yếu tố then chốt để đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số nông nghiệp.
Huy động nhiều nguồn lực cho nông nghiệp
An Giang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng giảm diện tích đất lúa hợp lý, đẩy mạnh phát triển rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tập trung, theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” thông qua phát huy nội lực của cộng đồng người dân, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng bình quân nông nghiệp ổn định đạt 2,8%/năm (giá so sánh 2010); tăng thu nhập bình quân đầu người của nông dân đến năm 2025 đạt 64,5 triệu đồng/người/năm, bằng 1,5 lần năm 2020 (43 triệu đồng/người/năm). Đến năm 2025, nông nghiệp cơ bản phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật (GAP, hữu cơ…) và tiêu chuẩn thị trường quốc tế đối với các mặt hàng chủ lực của An Giang.
Mục tiêu đến năm 2030, giá trị sản xuất đất nông nghiệp bình quân của tỉnh là 280 triệu đồng/ha; có 150.000ha lúa được sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; chuyển đổi số được áp dụng rộng rãi trong nông nghiệp, tăng nhanh tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo hướng công nghệ cao. An Giang trở thành một trong những trung tâm về ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp tại ĐBSCL.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, để triển khai thành công Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, cần có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt giữa các bộ, ngành Trung ương, vùng ĐBSCL, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các hội, hiệp hội ngành hàng, địa phương, cả hệ thống chính trị và DN cùng tham gia. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo đơn vị phụ trách các chuỗi ngành hàng xây dựng và triển khai các kế hoạch chuỗi liên kết.
Trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tỉnh tạo điều kiện thu hút DN đầu tư, liên kết, hợp tác chặt chẽ với nông dân, HTX, THT, xem đây là chìa khóa quan trọng để kiện toàn chuỗi cung ứng theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm sạch, giá trị, có lợi cho DN, nông dân và cộng đồng. Cùng với đó, phát triển mạnh mẽ kinh tế hợp tác, HTX một cách đồng bộ và đa dạng loại hình. Tỉnh chú trọng phát triển HTX kiểu mới theo chuỗi giá trị ngành hàng gắn với sự tham gia cổ phần của DN, phát triển các HTX đa dịch vụ.
Đối với tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết ngang, HTX đại diện cho nhóm nông dân cùng mục tiêu ký hợp đồng mua vật tư nông nghiệp đầu vào với giá gốc, kiểm soát được chất lượng cung ứng lại cho nông dân, đồng thời cung cấp các dịch vụ trong quá trình tổ chức sản xuất. Đối với liên kết dọc, HTX đại diện người sản xuất ký hợp đồng tiêu thụ đầu ra với DN.
An Giang thực hiện hỗ trợ bằng chính sách cho các chuỗi liên kết, hỗ trợ cấp mã vùng, mã vạch, tiến tới xây dựng các nhãn hiệu, thương hiệu nhằm quản lý nguồn gốc và đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu nông sản. |
NGÔ CHUẨN