Tấm gương điển hình trong nghề giáo

17/11/2022 - 08:03

 - Đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nói riêng và toàn ngành nói chung, ở mỗi thế hệ, giáo viên dành trọn khả năng và nhiệt huyết của mình để vun đắp cho nhiệm vụ “trồng người”. Không chỉ dạy chữ, dạy người, mỗi thầy cô còn vượt khó, học hỏi không ngừng để thích ứng với những đổi mới, yêu cầu đặt ra trong nhiệm vụ, xây dựng hình ảnh “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Cô Phạm Thị Nguyệt

Trường học là “mái nhà thứ hai”

Dịp 20/11 năm nay sẽ thêm một dấu mốc mới trong sự nghiệp của cô Phạm Thị Nguyệt (Nhà giáo ưu tú Trường Tiểu học “A” Cần Đăng, huyện Châu Thành) khi là một trong những nhà giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng, giai đoạn 1982-2022. “Từ nhỏ, tôi rất thích được dạy học. Khi quyết định chọn nghề, tôi lấy câu “nghề giáo là nghề cao quý” để phấn đấu vượt khó. Dù trong lớp hay ngoài đời, phụ huynh độ tuổi nào vẫn gọi mình một tiếng “thầy/cô”. Tiếng gọi đó quý lắm! Tình yêu nghề, sự đam mê phải đủ lớn mới trở thành động lực để có thể bám trụ với trường lớp đến bây giờ” - cô Nguyệt chia sẻ.

Hành trình hơn nửa đời người bám trụ với nghề không phải là chuyện dễ dàng. Nhất là giai đoạn những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống khó khăn, lương của giáo viên trả bằng mười mấy ký gạo và 1kg thịt heo. Cô Nguyệt học thêm nghề may để tạo thu nhập phụ trang trải sinh hoạt. Cứ thế, ròng rã mấy chục năm, cô duy trì nhịp sống sáng đi dạy, chiều về may vá, trụ ở ngôi trường và lần lượt nuôi 2 đứa con vào đại học, thành tài. Gia đình cô còn được tuyên dương là gia đình hạnh phúc tiêu biểu của huyện Châu Thành.

Sự tận tụy và khả năng chuyên môn của cô Nguyệt được mọi người tin tưởng, đánh giá cao ngay từ những ngày đầu công tác. Chỉ 1 năm đi dạy, cô giữ chức tổ trưởng, luôn nêu gương trong các phong trào để động viên những giáo viên khác. Vì vậy, suốt thời gian qua, tổ khối 5 luôn là tập thể ưu tú của đơn vị, có nhiều giáo viên dạy giỏi và đạt thành tích thi đua nổi trội. Học sinh giỏi ở các lớp theo đó tăng dần từng năm.

Nhờ vốn thực tế giảng dạy phong phú, từ năm 2002 đến nay, cô Nguyệt tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm và đạt các giải cao. Trong đó, nổi bật là các sáng kiến: Tạo hứng thú học tập cho học sinh trong dạy học; khắc phục tình trạng học yếu của học sinh lớp 5; thực hiện tốt công tác chủ nhiệm… Đối với học trò, bằng nhiều cách, cô thường giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn. Khi thì trích tiền túi giúp các em mua sách, tập… khi thì cùng đồng nghiệp nhận đỡ đầu những em hoàn cảnh đặc biệt trong suốt năm học.

Xem nhà trường là ngôi nhà thứ hai, còn học sinh là con em của chính mình. Nhìn lại những cống hiến thời gian qua, điều tự hào nhất của cô là ngoài kiến thức sách vở còn trao cho học trò kinh nghiệm, vốn sống, kỹ năng… để các em bước vào đời thành công hơn.

Phát huy tính tiên phong của thế hệ trẻ

Thầy Nguyễn Đức Tài

Thầy Nguyễn Đức Tài (Trường Cao đẳng Nghề An Giang) là đại diện của tỉnh được vinh danh trong 100 nhà giáo trẻ tiêu biểu trên cả nước, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức ngày 12/11. Công tác 8 năm với chuyên môn Cơ điện tử, thầy Tài không chỉ nỗ lực để truyền đạt kiến thức cho sinh viên mà còn dốc lòng thực hiện nhiều giải pháp để thay đổi tư duy về học nghề. Từ năm 2016 đến nay, thầy Tài đã xây dựng chương trình phổ cập cơ điện tử dành cho học sinh phổ thông.

Điều tâm đắc sau những cống hiến không ngừng, thành quả thu nhận là sự trưởng thành của sinh viên. Các em ra trường không chỉ đạt được thành công mà còn tự tin thể hiện năng lực trong môi trường làm việc hiện đại, sánh vai bên những bạn tốt nghiệp từ các trường đại học lớn trong nước. Bên cạnh đó, có những sinh viên do thầy hướng dẫn đã được lọt vào “tốp” sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc, được hội đồng đánh giá cao về sự nỗ lực. Năng động và gần gũi là điều ai cũng dễ dàng cảm nhận được ở thầy giáo trẻ này. Nhờ đó, ở một góc độ khác, thầy trở thành người bạn, người đồng hành lan tỏa điều tích cực, định hướng cho sinh viên khởi nghiệp.

Đáng nể ở chỗ, tuy tuổi đời lẫn tuổi nghề còn trẻ, thầy Tài nhiều lần được tuyên dương các danh hiệu tiêu biểu. Nổi bật trong các thành tích là thầy đạt giải nhì thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc, nhiều lần đạt giải ở hội thi cấp tỉnh. Thầy còn được tuyên dương “Thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác” cấp toàn quốc năm 2020, nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp thế hệ trẻ, nhận bằng sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và mới đây nhất là vinh danh “Nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2022”.

Theo thầy Tài, giáo viên trẻ hiện nay đóng vai trò rất quan trọng. Trong quá trình chuyển đổi số, họ phải là một trong những lực lượng đi đầu thay đổi tư duy, phương pháp đào tạo, sử dụng công cụ, cách tiếp cận đối với người học…

Khả năng tiếp thu kiến thức và kỹ năng mới của giáo viên trẻ cũng rất lớn, là lợi thế để họ có những đột phá, sáng kiến. Do đó, để phát huy thế mạnh của lực lượng này, ngoài tiềm năng sẵn có ở họ, cần vun đắp và phát huy sự tiên phong của thế hệ trẻ để đi đầu trong xu hướng công nghệ. Chủ đề này đồng thời được thầy Tài và các giáo viên chia sẻ trong khuôn khổ lễ vinh danh "Nhà giáo trẻ tiêu biểu toàn quốc".

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích