Điển hình là gia đình ông Lê Công Phao (sinh năm 1949, ngụ khóm Mỹ Thọ, phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên). Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, anh em có 8 người thì 7 người đã tham gia cách mạng. Trong đó, 2 người là liệt sĩ, 4 người là thương binh. Từ 14 tuổi, ông Phao bắt đầu tham gia du kích tại quê nhà (xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong, nay là tỉnh Đồng Tháp).
Đến năm 1969, được bổ sung về Tiểu đoàn 413 làm nhiệm vụ bảo vệ khu bộ Khu 8. Sau nhiều năm trực tiếp chiến đấu bảo vệ căn cứ, ông nhiều lần bị thương và bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Đến năm 1972, ông thương rất nặng, sau khi điều trị đã được đưa về trại an dưỡng thương binh, khi giám định thương tật được xếp hạng thương binh 1/4. Không chỉ ông Phao mà vợ và 2 con gái cũng bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc hóa học, đau ốm liên miên.
Ông Lê Công Phao tại Đại hội lần thứ III Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Long Xuyên
Sau giải phóng, ông Phao được bố trí làm quản đốc của trại thương binh, do sức khỏe yếu nên năm 1986 phải nghỉ. Cả nhà 7 người chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp thương tật của ông, nên thường xuyên thiếu trước hụt sau, nhiều lần được địa phương, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và đồng đội giúp đỡ.
Năm 1987, Sở LĐ-TB&XH quyết định cấp đất và nhà Tình nghĩa cho ông. Thấm thía lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, vả lại không thể cứ ngồi trông chờ vào chính sách đãi ngộ của nhà nước, vợ chồng ông Phao động viên con cháu tìm cách tự cải thiện đời sống gia đình. Gia đình ông bắt tay vào nuôi gà lấy trứng bán để mua gạo, mắm, muối.
Thấy được ý chí vươn lên, Phòng LĐ-TB&XH TX. Long Xuyên (nay là TP. Long Xuyên) giúp vốn cho gia đình xây dựng chuồng nuôi 5 con heo nái. Đảng ủy, UBND phường tiếp tục tạo điều kiện cho gia đình ông mượn ruộng làm lúa. Cần cù, chịu khó, lấy công làm lời, cộng với tiền lời do chăn nuôi, gia đình đã mua được 10 công ruộng năm 2002. Khi cuộc sống gia đình ổn định thì vợ ông mất đi năm 2006 do bệnh. Năm 2015, ông Phao được Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Long Xuyên xét cho vay 10 triệu đồng không lãi suất trong 5 năm. Có thêm vốn, ông Phao tiếp tục nghĩ cách để phát triển sinh kế, mua cặp bò về nuôi, với sự cố gắng đã hoàn vốn vay cho hội vào năm 2020.
“Sau này, do tuổi cao sức yếu nên tôi đã bán cặp bò để xây dựng lại ngôi nhà ổn định nơi ăn ở và trồng trọt, chăn nuôi gia cầm. Từ đó đời sống và thu nhập của gia đình ngày càng ổn định hơn, một phần là nhờ sự giúp đỡ thiết thực của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, mà trực tiếp là Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Long Xuyên. Giờ đây con cháu của tôi đã trưởng thành, có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, có thể tự lo cho bản thân, đây cũng là điều mà vợ chồng tôi ao ước từ lâu...”- ông Phao chia sẻ.
Dù sức khỏe không tốt do nhiễm chất độc da cam/dioxin nhưng ông Lê Công Phao luôn có một nghị lực bền bỉ đáng khâm phục, thực sự là tấm gương sáng cho mọi người học tập.
“Gia đình tôi có được cuộc sống như hôm nay là kết quả phấn đấu không ngừng của cá nhân tôi và toàn thể thành viên trong gia đình; là kết quả của sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và của cả cộng đồng. Tất cả đã giúp cho gia đình tôi phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống”- ông Lê Công Phao chia sẻ.
|
NGUYỄN HƯNG