Tâm huyết với dược liệu

15/07/2022 - 07:25

 - Không dừng lại ở việc kinh doanh, anh Võ Thanh Tâm (thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) còn dành nhiều tâm huyết trong việc bảo tồn và phát triển các loại dược liệu. Mỗi sản phẩm dược liệu được anh Tâm phát triển sẽ gắn liền với đặc trưng của từng ngọn núi trên vùng Thất Sơn. Với cách làm này, vừa có thể liên kết phát triển du lịch (DL), vừa giúp người dân có thêm thu nhập từ vùng trồng dược liệu.

Sản phẩm mật ong hoa tràm được nuôi tự nhiên tại rừng tràm Trà Sư

Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển dược liệu Thất Sơn (thị trấn Tri Tôn) do anh Võ Thanh Tâm và 2 người bạn đồng sáng lập tháng 5/2022. Trước khi quyết định mở công ty, anh Tâm dành hẳn 1 năm để nghiên cứu và chuẩn bị cho các kế hoạch cần triển khai khi hiện thực hóa ý tưởng phát triển và bảo tồn dược liệu đặc trưng của vùng Bảy Núi. Không được sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, nhưng sau thời gian dài làm việc, gắn bó ở vùng Bảy Núi, anh Tâm dành rất nhiều tình cảm cho nơi đây. Đặc biệt là ở mảng dược liệu - một sản phẩm lợi thế của vùng.

Trước đó, anh Tâm là người đã góp phần tạo nên phong trào khởi nghiệp cho các bạn đoàn viên, thanh niên ở địa phương với việc thành lập Câu lạc bộ khởi nghiệp Tri Tôn. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thành viên phát triển từ những sản phẩm lợi thế của địa phương. Đến nay, khi bắt tay vào khởi sự kinh doanh, anh Tâm quyết định nâng cao kiến thức chuyên môn bằng việc đăng ký học lớp y sĩ y học cổ truyền để hiểu về dược tính của các loại dược liệu và xây dựng hướng phát triển hợp lý nhất.

Là tỉnh đồng bằng nhưng có núi, với dãy Thất Sơn hùng vĩ, đó là lợi thế của An Giang về bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Theo nghiên cứu, do chênh lệch biên độ dao động nhiệt giữa ngày và đêm, nên các loại dược liệu trồng ở vùng Bảy Núi có dược tính cao hơn hẳn so với khi trồng ở đồng bằng. Anh Tâm cho biết, lâu nay, An Giang được biết đến là một trong 8 vùng có khả năng quy hoạch về dược liệu của cả nước, nhất là ở vùng Bảy Núi.

“Có một thực tế đang diễn ra là có khoảng 80% dược liệu trên thị trường được nhập khẩu từ Trung Quốc, thông qua các đường tiểu ngạch, vì thế chất lượng chưa được đảm bảo. Theo số liệu thống kê, mỗi năm, thị trường dược liệu của cả nước cần khoảng 60.000 tấn, mà trong nước chỉ cung ứng được khoảng 12.000-14.000 tấn, thật sự chưa tương xứng với tiềm năng vốn có” - anh Tâm thông tin.

Bên cạnh đó, người dân trong nước và xu thế của cả thế giới đang hướng đến việc sử dụng các loại dược liệu đến từ thiên nhiên trong chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh. Từ đam mê cộng thêm việc tìm hiểu được xu hướng thị trường đang cần đã tiếp thêm động lực cho anh Tâm thành lập công ty chuyên bảo tồn và phát triển dược liệu.

“Khi bắt tay vào đầu tư phát triển mảng dược liệu, đó là ý tưởng chung của các thành viên trong công ty. Đơn giản là xuất phát từ mong muốn bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, hơn nữa là được đồng hành với sự phát triển nguồn tài nguyên dược liệu của quê hương” - anh Tâm giải thích thêm. 

Mục tiêu lớn nhất của Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển dược liệu Thất Sơn là song hành 2 việc: Bảo tồn và phát triển các loại dược liệu đặc trưng của vùng. Trong giai đoạn 2022-2025, công ty đã lên kế hoạch tập trung phát triển vùng trồng các loại dược liệu đặc trưng của vùng Bảy Núi và bán nguyên liệu thô ra thị trường. Từ năm 2026-2030, sẽ xây dựng nhà máy phát triển các sản phẩm đã qua chế biến từ nguồn cung dược liệu có sẵn từ trước.

Hiện nay, sản phẩm đầu tay của công ty là mật ong hoa tràm, với vùng nuôi tự nhiên rộng 850ha tại rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên). Tận dụng nguồn hoa tràm bạt ngàn ở khu vực rừng tràm Trà Sư, nên đàn ong được phát triển tự nhiên, không cần cho ăn thêm đường hay các loại bột để tạo mật. Do vậy, hoàn toàn có thể so sánh mật ong hoa tràm Trà Sư giống với các loại mật ong rừng trong tự nhiên.

“Mật ong hoa tràm Trà Sư được nuôi giữa rừng tràm Trà Sư. Đặc tính của mật ong sẽ phụ thuộc vào loại hoa ong đi lấy mật, vì thế mà mật ong hoa tràm có tính chất của khuynh diệp, ngoài tác dụng bồi bổ cơ thể còn có tác dụng hỗ trợ điều trị ho khan, ngừa cảm cúm…

Bên cạnh đó, mật ong được thu bằng công nghệ tách ly tâm, nên không bị lẫn sáp ong, an toàn và vệ sinh. Mật ong sau khi thu hoạch xong sẽ được đóng chai ngay, không qua quy trình biến đổi nhiệt, nên giữ nguyên hàm lượng dinh dưỡng và hơn hết là người tiêu dùng biết được nguồn gốc rõ ràng, an tâm sử dụng” - anh Tâm thông tin.

Hiện tại, anh Tâm đang quy hoạch vùng trồng chuối hột rừng trên Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô, thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn). Mỗi sản phẩm của công ty sẽ gắn với hình ảnh của một địa phương để kết hợp quảng bá DL. “Chưa hết, tôi sẽ đặt tên cho từng sản phẩm gắn với vùng trồng là các ngọn núi trong vùng. Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm hoàn thiện sẽ được gắn mã truy xuất nguồn gốc, để người dân có thể tin tưởng sử dụng” - anh Tâm giải thích thêm.

Để có được vùng trồng riêng cho công ty, anh Tâm đã đến liên hệ và kết nối với từng người dân, với cách làm này sẽ giúp người dân có thêm thu nhập, công ty có thêm thời gian để tập trung thực hiện vai trò thương mại. Sản phẩm của công ty đang được kết hợp phân phối qua các kênh thương mại điện tử là chủ yếu, kênh bán trực tiếp sẽ tập trung phát triển ở các khu, điểm DL trong tỉnh.

Hiện tại, sản phẩm mật ong rừng tràm Trà Sư đã có mặt trong gian hàng của Shopee và đang chuẩn bị kết nối cùng Lazada. Ngoài ra, anh Tâm còn phát triển thêm kênh youtube, facebook… giới thiệu về sản phẩm đặc trưng của vùng, tầm nhìn, sứ mệnh của công ty cũng như chia sẻ về vùng trồng ở những ngọn núi trong vùng Thất Sơn, như một cách tiếp cận với khách hàng.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích