Tấm lòng đối với những người gìn giữ văn hóa dân tộc Chăm

08/12/2021 - 06:19

 - Những thầy cô trực tiếp giảng dạy tiếng Chăm và người dạy cách hành lễ (Imam) cho các em học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm ở các địa phương đều xuất phát trên tinh thần tình nguyện, không nhận lương. Các thầy cô ngày ngày truyền dạy những kiến thức, văn hóa của dân tộc mình với mong muốn được bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp.

Hỗ trợ các thầy cô dạy tiếng Chăm

Đối với các em học sinh là đồng bào DTTS Chăm, ngoài chương trình học phổ thông ở trường, mỗi ngày sẽ dành 2 giờ vào buổi tối để học thêm tiếng Chăm và học cách hành lễ của dân tộc mình. Thời gian học tập được duy trì xuyên suốt trong năm, chỉ tạm ngưng trong tháng Ramadan. Những người trực tiếp giảng dạy đều xuất phát trên tinh thần thiện nguyện, từ năm này sang năm khác, họ xem đây là công việc ý nghĩa vì có thể góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa, truyền dạy chữ viết, phong tục, tập quán cho các thế hệ con cháu sau này.

Ông Gosaly, Phó Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang và cũng là thầy giáo đã gắn bó công việc tình nguyện dạy tiếng Chăm cho trẻ em DTTS Chăm hơn 40 năm nay. Theo ông Gosaly, hoàn cảnh của các thầy cô tham gia giảng dạy đều khó khăn, mỗi người mỗi công việc khác nhau, từ buôn bán, làm ruộng, làm thuê… hàng ngày tìm cách mưu sinh chăm lo cho gia đình. Khó khăn là vậy, dù ban ngày có làm việc vất vả như thế nào nhưng khi đêm đến là khoảng thời gian thầy cô gạt hết những lo toan cuộc sống, tranh thủ để truyền dạy kiến thức cho thế hệ tương lai. Với mong muốn giúp thế hệ sau này sẽ là người gìn giữ và phát huy những truyền thống văn hóa của dân tộc mình, không bị mai một.

Là người trong hoàn cảnh đó, nên dễ dàng thấu hiểu và cảm thông với các thầy cô, ông Gosaly đã lên ý tưởng cho chương trình hỗ trợ thiết thực cho các đối tượng này. Với ý tưởng nhân văn của ông Gosaly đã được đông đảo người dân ủng hộ, mọi người chung tay đóng góp để thực hiện chương trình. Từ lúc bắt đầu đến nay, chương trình đã thực hiện hơn 1 năm, vận động hỗ trợ đều đặn cho 164 thầy cô giảng dạy tiếng Chăm và người dạy cách hành lễ. Mỗi phần quà hỗ trợ trị giá 250.000 đồng, gồm các nhu yếu phẩm cần thiết, như: Gạo, đường, nước tương… Kinh phí được đóng góp từ các nhà hảo tâm đến từ cộng đồng DTTS Chăm trong và ngoài nước.

Tận dụng mạng xã hội Facebook để vận động nên mỗi lần trao hỗ trợ, ông Gosaly đều công bố rõ ràng, minh bạch thông tin, địa điểm hỗ trợ với hình ảnh, video cụ thể. Nếu có được nguồn kinh phí, chương trình sẽ duy trì hỗ trợ mỗi tháng, đối với những cá nhân trong tỉnh sẽ được hỗ trợ bằng hiện vật là những phần quà nhu yếu phẩm. Còn với các trường hợp ở các tỉnh, thành phố khác sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi nhất để có thể nhận được hỗ trợ từ chương trình. “Những phần quà tuy giá trị không lớn nhưng thể hiện sự quan tâm, động viên đến từ cộng đồng đối với các thầy cô, những người đóng vai trò trao truyền văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS Chăm. Mọi người làm việc không lương, nhưng vì thế hệ mai sau nên luôn cố gắng hàng ngày giảng dạy” - ông Gosaly chia sẻ.

Đây là công việc rất trân quý, xứng đáng được mọi người quan tâm hỗ trợ. Một phần quà nhỏ nhưng có sức mạnh để động viên, khích lệ, nên cả người trao và người nhận được đều cảm thấy ấm lòng. Trong dòng chảy văn hóa hiện đại, những giá trị truyền thống của mỗi dân tộc cần được giữ gìn, bảo tồn, từ chữ viết, tiếng nói, phong tục, tập quán đặc trưng. Chính vì vậy, những thầy cô giáo dạy tiếng Chăm, kinh Quran hay các vị Imam đều xứng đáng được quan tâm, động viên và đồng hành hỗ trợ.

“Đây là chương trình được thực hiện vì cộng đồng, nên dù có khó khăn, tôi cố gắng duy trì thực hiện, vì muốn thông qua đây hỗ trợ, đóng góp một phần nhỏ để động viên các thầy cô, cũng như các vị Iman - những người đã truyền dạy, góp phần gìn giữ văn hóa của dân tộc không bị mai một” - ông Gosaly giải thích.

ÁNH NGUYÊN