Tân An ngày ấy và bây giờ

09/04/2025 - 07:36

 - Tân An hôm nay không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn, phát huy truyền thống cách mạng, mà còn vươn mình mạnh mẽ trở thành vùng động lực kinh tế của TX. Tân Châu...

Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tân An, nhiệm kỳ 2025 - 2030

Trước ngày 30/4/1975, Tân An là một vùng quê nghèo, hoang hóa. Xã nằm ven sông Tiền, có nhiều kênh rạch, nhưng nông nghiệp lại chậm phát triển, đời sống Nhân dân rất khó khăn. Những năm tháng chiến tranh, vùng đất này là căn cứ địa cách mạng quan trọng của Đảng bộ Tân Châu. Những cánh đồng lau sậy, những con rạch ngoằn ngoèo, những vườn tre rừng rậm rạp là nơi che chở cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng của ta hoạt động. “Tân An từng là nơi đóng quân, nơi hội họp của lực lượng cách mạng, là hậu phương vững chắc, tiếp sức cho tiền tuyến. Người dân nơi đây một lòng son sắt với Đảng, theo cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc. Dẫu bom đạn cày xới, giặc đàn áp, nhưng tinh thần yêu nước, khí phách kiên cường của người dân nơi đây vẫn không bao giờ bị khuất phục…” - bà Lê Tiến Hương, cán bộ lão thành cách mạng TX. Tân Châu chia sẻ...

Kết thúc chiến tranh, hòa bình được lập lại, Tân An bước vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Những ngày đầu sau giải phóng, vùng đất này còn nghèo nàn, hạ tầng cơ sở gần như không có gì đáng kể. Cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp thuần túy với tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. “Đất đai thì nhiều, nhưng người dân chỉ sản xuất 1 vụ lúa mùa. Đồng ruộng hoang hóa bởi hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp chưa phát triển. Ngoài trồng lúa, việc phát triển chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gần như không có, cuộc sống người dân rất khó khăn…” - ông Trần Văn On, xã Tân An, TX. Tân Châu nhớ lại.

Với nỗ lực của toàn Đảng bộ, Tân An dần “Thay da đổi thịt”. Các công trình thủy lợi được đầu tư, hệ thống đê bao khép kín được hoàn chỉnh, giúp kiểm soát lũ lụt, cải thiện điều kiện sản xuất. Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nỗ lực trong liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, nên cuộc sống người dân ngày càng khấm khá. “Ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, địa phương không chỉ dừng lại ở trồng lúa chất lượng cao, mà còn phát triển mạnh các mô hình nuôi trồng thủy sản, rau màu, cây ăn trái. Hiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng/người/năm. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc với hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ; điện, đường, trường, trạm đạt chuẩn, phục vụ tốt đời sống dân sinh và phát triển kinh tế” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân An Nguyễn Văn Thuận chia sẻ.

Tân An hôm nay đã trở thành một trong những địa phương phát triển kinh tế năng động. Từ một xã thuần nông, địa phương này đã vươn mình trở thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với chuỗi giá trị nông sản. Việc hình thành các mô hình kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới đã giúp người dân liên kết sản xuất hiệu quả hơn. “Đảng bộ Tân An qua từng thời kỳ đóng vai trò rất quan trọng trong lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, như: Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông; vận động Nhân dân tham gia làm ăn hợp tác, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân để họ hiểu rõ hơn các chủ trương, chính sách trong phát triển kinh tế, từ đó góp phần phát triển quê hương…” - ông Trần Văn On bày tỏ.

MINH HIỂN