Tản mạn về chiếc điện thoại bàn

07/06/2024 - 21:08

Tôi đi làm vào những năm đầu của thập niên 1980. Lần đầu bước chân vào công sở, đang dạ thưa với sếp thì chiếc điện thoại bàn đen bóng ở góc bàn đổ chuông, sếp trả lời gì đó với người đang ở đầu dây bên kia khiến tôi có ấn tượng về chiếc điện thoại đến tận bây giờ. Thời ấy, hầu hết các cơ quan chỉ có vài chiếc điện thoại, lắp ở phòng của các sếp và 1 chiếc ở văn phòng để dùng chung. Điện thoại ở văn phòng thường để trong hộp kính. Hết giờ làm việc, văn phòng khóa hộp lại, đề phòng mọi người sử dụng cho việc riêng. Rồi sau này đến chơi ở nhà bạn, vốn là một gia đình công chức cấp trung, thấy phòng khách bày chiếc piano, bên cạnh có chiếc điện thoại giả cổ… nhìn sang trọng càng khiến ấn tượng của tôi về chiếc điện thoại trở nên mạnh hơn.

Tôi trẻ nhất phòng nên đương nhiên chuyện đi lấy nước sôi pha trà, quét phòng, nghe điện thoại… là việc của tôi. Bài học đầu tiên về cách nghe điện thoại cũng khiến tôi nhớ mãi. Sếp tôi nhẹ nhàng chỉ bảo, em nghe điện thoại cũng phải có quy tắc, có nghệ thuật. Dù có ngồi cạnh máy nhưng phải để sau hồi chuông thứ 3 mới được nhấc máy, chứ không người gọi tưởng mình rảnh quá, chỉ chờ nghe điện thoại. Khi nhấc máy lên, luôn phải chủ động xưng tên đơn vị trước, ví dụ: “A lô, công ty A xin nghe”… Bài học đầu đời, nhẹ nhàng mà đi theo tôi suốt cuộc đời công tác.

Điện thoại bàn những năm 1980 hầu hết là những chiếc máy có từ trước năm 1975. Mạng khi này mới chỉ có 5 số và chỉ gọi được trong nội thành Nha Trang, muốn gọi đi các huyện phải đăng ký qua tổng đài, chờ nối máy, gọi là điện thoại đường dài. Bạn đã từng tới bưu điện, nhìn thấy các cô nhân viên áo trắng ngồi dãy dài, đầu chụp cáp nghe, tay thoăn thoắt rút phích nọ, nối phích kia… hẳn khối người bâng khuâng. Tôi nhớ mãi lần sếp nói tôi đăng ký gọi cho Cam Ranh. Khi gọi tổng đài, cô nhân viên hỏi tên, tôi nói tên sếp: “Anh hai Xủn”, chợt nghe cô đổ quạu: “Anh làm việc nghiêm túc nhé, tôi không có thời gian để đùa”. Hỏi sao không nghiêm túc, cô vặn lại làm gì có tên vậy? Ôi trời ơi, tôi méc lại sếp, anh chỉ nhẹ nhàng gọi lại cho tổng đài, thấy cô rối rít xin lỗi gì đó… Sau này, anh làm Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nha Trang, anh em thỉnh thoảng gặp nhau ôn lại chuyện cũ, anh vẫn cười rất hiền. Anh giờ đã mất rồi, nhưng kỷ niệm ấy không bao giờ tôi quên.

Điện thoại bàn vẫn có một giá trị riêng của nó. Ảnh: PHÚC HIẾU

Thập niên 1990, điện thoại nhập về nhiều chủng loại, máy đời mới có bàn phím chứ không còn dùng đĩa quay số và mạng đã có 6 số. Khi đó, cơ quan tôi có yêu cầu liên lạc thường xuyên với nhân viên nên đã làm công văn xin bưu điện ưu tiên cho một số người được lắp điện thoại nhà riêng. Danh sách chọn lựa, sếp phê cẩn thận mới được bưu điện chấp nhận. Ngày đầu tiên tôi lắp máy xong, cả dãy tập thể náo nức qua săm soi, coi ngó như một sự kiện gì lớn lắm. Rồi sau đó, người nhờ gọi về quê, người ở nhà gọi tới nhờ tôi kêu qua nghe, có đêm tôi phải đập cửa hàng xóm vì người nhà nhắn đang chuẩn bị đưa mẹ đi cấp cứu, đến bệnh viện gấp… Cái điện thoại hiếm hoi ấy là cầu nối tình xóm giềng trong khu tập thể. Mọi người trong khu tập thể vẫn gọi đùa nhà tôi là bưu điện văn hóa khóm! Số máy của nhà tôi được cả xóm nhớ. Nghĩ cũng vui, cái thời nghèo khổ ấy, anh em sống với nhau thật chan hòa, tự nhiên. Cơm chiều xong là qua nhà nhau ngồi uống trà tán gẫu, chán thì về chứ không lạnh lùng, riêng tư như ngày nay.

Rồi khoảng giữa những năm 1990, chiếc điện thoại di động đầu tiên xuất hiện. Ngày ấy, thấy ai dùng điện thoại di động là biết chắc chỉ thuộc 1 trong 2 loại người: Hoặc là sếp cơ quan nhà nước, hoặc là dân buôn bán lớn. Nói vậy bởi cái điện thoại cục gạch ngày đầu mắc kinh hoàng, tính ra tới mấy chỉ vàng, còn cước tính theo phút thì… Ôi trời, đám lính lác như tôi chưa dám mơ. Những số máy thế hệ đầu tiên của Vinaphone là 0913 460 xxx, của Mobifone là 0903 500 xxx. Ngày nay, ai còn sở hữu số điện thoại có dãy số này là biết ngay đây là những người đầu tiên dùng điện thoại di động ở Nha Trang.

Theo thời gian, chiếc điện thoại bàn ngày càng ít đi. Cuốn sổ nhỏ ghi lại các số điện thoại thường liên lạc là vật bất ly thân trong túi rồi cũng biến mất tự bao giờ. Chả mấy ai còn mở cuốn danh bạ, dò tìm số rồi bấm bấm nữa… Nhưng tôi nghĩ cái điện thoại cố định sẽ còn lâu mới mất. Bữa bạn tôi ở Đức về thăm nhà, bạn nói đất nước hiện đại như thế nhưng Đức rất chú trọng cái điện thoại bàn. Buôn bán, kinh doanh… phải có điện thoại bàn để chứng tỏ bạn có văn phòng nghiêm túc, cái chính là không nói láo nhau được, khi đang ngồi đồng trong quán cà phê mà nói rằng đang họp (!). Thì ra bất tiện so với di động thật đấy, nhưng điện thoại bàn vẫn cứ là điện thoại bàn, vẫn có một giá trị riêng.

Trong phòng khách nhà tôi, cạnh chiếc bàn nhỏ ở góc phòng vẫn còn ổ giắc điện thoại đi âm tường. Kỷ niệm vẫn còn nguyên, cho dù trên bàn thiếu mất cuốn danh bạ dày cộm và chiếc điện thoại một thời thân thương.

Theo THỦY NGÂN (Báo Khánh Hòa)