Lúng túng khi “nhập môn”
Trải qua hơn nửa năm nhập học online, Tạ Thúy Quỳnh, sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội vẫn không quên những ngày học đầu tiên đầy khó khăn: “Cách dạy ở đại học khác hoàn toàn với khi còn học THPT và lại học online nên lần đầu tôi có chút hồi hộp, lo lắng. Chủ yếu thầy cô gợi ý tài liệu và chúng tôi tìm đọc trên internet rồi tự nghiên cứu. Sau một thời gian thích nghi, tôi nhận ra khả năng tự học là điều vô cùng quan trọng khi học đại học”.
Tạ Thúy Quỳnh đang tham gia lớp học online qua ứng dụng Microsoft Team (Ảnh: NVCC)
Là sinh viên chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, học kỳ đầu của Tạ Thúy Quỳnh khá nhiều các môn đại cương, kiến thức nhiều trong khi thời gian và sự hướng dẫn của thầy cô bị hạn chế vì học online. Vì vậy, ngoài giờ học, Quỳnh tìm thêm tài liệu để đọc, học thêm về tin học, ngoại ngữ, các kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm để có thể đáp ứng được yêu cầu bài tập của các giảng viên.
Cũng gặp không ít khó khăn khi bắt đầu “nhập môn” chương trình mới, Đại Dương (sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Điện lực) chia sẻ: “Mới đầu tôi còn gặp khó khăn với việc học theo nhóm và chưa thể sử dụng thành thạo công cụ Word, Powerpoint. Lúc này ngoài việc tự học và hỏi các bạn, tôi mới có thể hoàn thành được các bài tập mà thầy, cô giao. Trong khi đó, không học trực tiếp nên có những giáo trình tôi không có, việc học càng trở nên khó khăn”.
Nhiều sinh viên chia sẻ, khác với cấp THPT, dù học online nhưng thầy cô vẫn yêu cầu bật camera để giám sát, quản lý nhưng khi lên Đại học, giảng viên sẽ không bắt buộc điều này, tự các bạn sinh viên phải ý thức được việc học của mình và điểm số sẽ là kênh đánh giá xác thực nhất về hiệu quả nghe giảng và học bài của sinh viên. Vượt qua những lúng túng ban đầu, nhiều sinh viên cũng chia sẻ những trải nghiệm mới. Đó là việc tự quản lý bản thân trên môi trường trực tuyến, học theo nhóm nhỏ được triệt để phát huy.
“Trong lớp, các bạn đến từ nhiều vùng miền khác nhau nên ngoài học tập, chúng tôi còn tổ chức những nhóm nhỏ để chia sẻ, thảo luận, làm bài tập”, Tạ Thúy Quỳnh cho biết.
Thầy, cô luôn là người chỉ đường
Ở môi trường đại học, thầy cô không còn đóng vai trò sát cánh, luôn theo dõi quá trình học tập của học trò. Nhưng đối với sinh viên năm thứ nhất, các giảng viên luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt để giúp các bạn hòa nhập, tiếp cận nhanh chóng với chương trình học đại học mới mẻ.
TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giảng viên bộ môn Xã hội học đại cương, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn tăng cường tương tác và trao đổi với sinh viên lắng nghe những ý kiến chia sẻ của sinh viên để tạo tâm lý thoải mái và cảm giác thích thú cho người học. Bên cạnh đó giáo viên đa dạng hóa các hình thức giảng dạy ở từng nội dung môn học và lồng ghép nhiều hoạt động trong chương trình giảng dạy để tạo hứng thú học tập, tạo môi trường cho sinh viên trình bày và chia sẻ quan điểm của bản thân để rèn luyện tư duy phản biện và khả năng thích ứng”.
Ngoài giờ lên lớp, cô Thủy tổ chức những nhóm chat trên Zalo để các lớp học có thể dễ dàng chia sẻ thông tin học tập cũng như là kênh thông tin để giúp đỡ sinh viên trong việc tiếp thu kiến thức. Biết được những bỡ ngỡ khi mới nhập học của các bạn tân sinh viên, cô Thuỷ luôn lắng nghe và chia sẻ những khó khăn mà sinh gặp phải khi tiếp cận môn học, quy định tính điểm chuyên cần, điều kiện, thi kết thúc học phần…
Bổ sung thêm một trong những phương pháp dạy học online tiếp cận với tân sinh viên, TS. Chu Đức Hà, giảng viên khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường Đại học Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Chúng ta phải nhìn nhận rằng dù là giảng dạy bằng hình thức trực tuyến hay đứng lớp thì chất lượng đào tạo phụ thuộc rất lớn vào giảng viên, trang thiết bị nhiều khi cũng chỉ là công cụ hỗ trợ. Tôi luôn dành ra một thời lượng nhất định để mô tả khung chương trình và những nội dung sẽ truyền tải, đồng thời cũng lắng nghe trao đổi từ phía sinh viên để hiểu nhau hơn, từ đó mới có thể làm việc với nhau lâu dài”.
Trong bối cảnh hiện nay, việc học và thi online là điều mà các bạn sinh viên bắt buộc phải thích ứng. Hiện nay, đã có rất nhiều trường Đại học chuẩn bị các kế hoạch đón sinh viên trở lại sau dịp Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, cả sinh viên cũng như giảng viên đều xác định việc học online sẽ song hành lâu dài trong thời gian tới. Vì thế, nhiều sinh viên vượt qua rào cản tâm lý, khó khăn để hướng tới một năm học hiệu quả.
Theo Báo Tin Tức