Tân Tuyến đẩy mạnh liên kết sản xuất

02/09/2022 - 07:23

Xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) có diện tích đất nông nghiệp lớn (trong tổng diện tích tự nhiên 8.358ha, đất sản xuất nông nghiệp chiếm 7.793ha). Để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp, địa phương xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực, phát triển tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) nhằm nâng cao giá trị đặc sản địa phương, chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả hơn…

Chuyển đổi những mô hình sản xuất hiệu quả

Vùng lúa Nhật trọng điểm

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Tuyến Trần Nam Dương cho biết, sản xuất nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của địa phương, đặc biệt là sản xuất lúa. UBND xã xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển diện tích sản xuất lúa phù hợp với đặc tính vùng đê bao. Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ phát triển THT, HTX kiểu mới, gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Nhiều năm nay, THT sản xuất lúa Nhật xã Tân Tuyến được xem là đơn vị đầu mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, xây dựng vùng nguyên liệu lúa Nhật ổn định. THT làm tốt khâu liên kết tiêu thụ lúa với Công ty TNHH Angimex Kitoku, có hợp đồng qua từng vụ, từng năm, giúp nông dân sản xuất được ổn định từ khâu đầu vào đến đầu ra của cây lúa, giá cả hợp lý trong từng mùa vụ. Đối với vụ đông xuân, THT hỗ trợ nông dân ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ lúa Nhật (giống Hananomai và DS1) với diện tích trên 80ha, giá bao tiêu 6.400-6.500 đồng/kg; vụ hè thu trên 20ha, giá bao tiêu 6.500-7.000 đồng/kg.

Từ khi triển khai mô hình liên kết, giá lúa do Công ty TNHH Angimex Kitoku bao tiêu luôn đảm bảo theo hợp đồng đã ký kết. Nông dân còn được thưởng thêm từ 100-200 đồng/kg lúa khi đảm bảo theo đúng tiêu chí của công ty đưa ra.

“Có thể thấy, sự liên kết sản xuất giữa Công ty TNHH Angimex Kitoku với nông dân luôn đảm bảo, có sự gắn kết chặt chẽ và mang lại hiệu quả thiết thực đối với công ty và nông dân. Lợi ích đối với công ty là luôn đảm bảo vùng nguyên liệu theo kế hoạch sản xuất của công ty. Lợi ích của nông dân là đảm bảo được sự ổn định trong sản xuất, yên tâm về giá bán, đảm bảo đầu ra, biết được lợi nhuận trong từng mùa vụ sản xuất” - ông Dương đánh giá.

Từ thực tế này, UBND xã Tân Tuyến đang tiếp tục vận động nông dân tham gia vào mô hình liên kết sản xuất với công ty đảm bảo đúng hợp đồng sản xuất, đề nghị Công ty TNHH Angimex Kitoku mở rộng diện tích liên kết sản xuất đối với các khu vực đảm bảo điều kiện sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Phát triển mô hình mới

Mới thành lập từ tháng 12/2018 nhưng HTX nông nghiệp Tân Tiến đã chứng minh hướng đi đúng khi lựa chọn phát triển, nâng cao giá trị đặc sản địa phương. HTX nông nghiệp Tân Tiến có loại dịch vụ cơ bản: Dịch vụ gia công, dịch vụ đan đát hàng thủ công mỹ nghệ và sản xuất nước mắm sạch (từ nguồn nguyên liệu cá linh thiên nhiên được khai thác mùa nước nổi). HTX có 36 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng.

Nhờ thực hiện tốt các dịch vụ, HTX nông nghiệp Tân Tiến đang giải quyết cho gần 100 lao động nữ ở xã Tân Tuyến, Tà Đảnh và thị trấn Cô Tô có việc làm thường xuyên khi tham gia gia công sản phẩm. Kết quả hoạt động kinh doanh của HTX tăng qua từng năm (năm 2019, lợi nhuận 55 triệu đồng; năm 2020, lợi nhuận 60 triệu đồng; năm 2021, lợi nhuận 75 triệu đồng).

Trong các dịch vụ mà HTX nông nghiệp Tân Tiến thực hiện, nổi bật nhất là dịch vụ sản xuất nước mắm đồng. Được thực hiện từ năm 2019, ban đầu chỉ sản xuất với số lượng đủ cung cấp cho thành viên HTX. Đến năm 2020, HTX mở rộng quy mô sản xuất để cung cấp cho người dân địa phương và các xã lân cận. Để đáp ứng yêu cầu chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, HTX nông nghiệp Tân Tiến đã đăng ký sản phẩm với Sở Khoa học và Công nghệ, được hỗ trợ kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm nước mắm của HTX. Từ đó, giúp nâng cao giá trị nước mắm do HTX sản xuất, cung cấp ra thị trường.

Ông Trần Nam Dương cho biết, cùng với đẩy mạnh liên kết sản xuất, UBND xã Tân Tuyến còn tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Từ năm 2015 đến nay, nông dân chuyển đổi 448ha từ đất vườn tạp và đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cây ăn trái. Trong đó, 82ha đất lúa chuyển sang chuyên canh màu; 210ha đất lúa chuyển sang luân canh gối vụ lúa - màu; 146ha chuyển sang cây ăn trái (nhãn Ido 18ha, chuối cấy mô 43ha, khóm 50ha, còn lại là xoài, mít Thái, cam, quýt, dừa, ổi…).

Trên địa bàn xã Tân Tuyến hiện có một số mô hình phát huy hiệu quả, như: Trồng chuối cấy mô ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Xanh Việt, diện tích 43ha, trồng từ năm 2015; trồng khóm của Công ty TNHH nông nghiệp xanh Lư Gia, diện tích 50ha, trồng từ năm 2019; nhãn Ido ứng dụng hệ thống tưới phun sương của nông dân Nguyễn Thành An, diện tích 5ha, trồng từ năm 2016; trồng mít Thái ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của nông dân Phạm Văn Thơ, diện tích 1,5ha, trồng từ năm 2020.

NGÔ CHUẨN