Tăng cường đảm bảo an toàn bay trong thời tiết xấu, sương mù

05/02/2024 - 09:31

Trong 3 ngày, đã có hơn 310 chuyến bay rỗng từ các sân bay về Tân Sơn Nhất (TP HCM) để giải toả khách sau hàng loạt chuyến bay bị hoãn, huỷ do thời tiết xấu

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa ký ban hành Chỉ thị tăng cường đảm bảo an toàn khai thác bay trong điều kiện thời tiết bất lợi; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Tăng cường đảm bảo an toàn bay trong thời tiết xấu, sương mù- Ảnh 1.

Sương mù dày đặc tại sân bay Nội Bài sáng 2-2-2024. Ảnh: Phan Công

Theo đó, trong 2 ngày 2, 3-2, tại các sân bay phía Bắc đã xuất hiện hiện tượng sương mù dày đặc, trần mây thấp, tầm nhìn hạn chế gây ảnh hưởng trực tiếp đến khai thác máy bay, khiến hàng loạt chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh tại các sân bay dự bị hoặc bị hủy, hoãn, chậm giờ. 

TDự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết hiện tượng thời tiết này có thể tiếp tục kéo dài đến ngày 8-2-2024 (tức ngày 29 Tết), đặc biệt vào các thời điểm từ đêm đến đầu giờ sáng.

Hiện tượng thời tiết bất lợi diễn ra đúng dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, khi lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không tăng mạnh.

Để chủ động phòng tránh, hạn chế và giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực do diễn biến thời tiết bất lợi, đảm bảo an toàn hoạt động khai thác bay, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Cục trưởng Đinh Việt Thắng yêu cầu các hãng hàng không chủ động theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, phối hợp chặt chẽ với các cảng hàng không, trung tâm quản lý luồng không lưu, công ty quản lý bay khu vực và các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không tại sân bay để có kế hoạch, phương án khai thác phù hợp; thông báo kịp thời, sẵn sàng các phương án phục vụ hành khách trong trường hợp thay đổi kế hoạch khai thác.

Các đơn vị cần rà soát, tăng cường công tác chuẩn bị, hội ý trước chuyến bay cho phi công về diễn biến thời tiết và khả năng tiếp thu của các sân bay khai thác để điều chỉnh kế hoạch bay trong trường hợp cần thiết sử dụng sân bay dự bị phù hợp; bổ sung nhiên liệu bay vòng chờ, bay chuyển hướng cần thiết đảm bảo an toàn khai thác bay. Đồng thời hỗ trợ tối đa hành khách theo quy định của pháp luật trong trường hợp chậm, huỷ, chuyển hướng bay.

Cục trưởng yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) quán triệt các cơ sở khí tượng và đảm bảo kỹ thuật cung cấp số liệu quan trắc sân bay đảm bảo chất lượng cho cơ sở điều hành bay, hãng hàng không và phi công. Rà soát và khắc phục ngay việc đảm bảo kỹ thuật thiết bị quan trắc chính và dự phòng đáp ứng yêu cầu chất lượng theo quy định về quan trắc khí tượng sân bay, đặc biệt các sân bay có tần suất bay cao và xác suất cao xảy ra thời tiết xấu ảnh hưởng đến an toàn bay.

Cục trưởng cũng yêu cầu VATM chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ dự báo, cảnh báo thời tiết liên tục theo dõi, cập nhật các bản tin cảnh báo, dự báo khi nhận định có diễn biến khác với bản tin đã ban hành. Tăng cường công tác tư vấn xu thế xuất hiện hoặc diễn biến của các hiện tượng thời tiết ảnh hưởng tới hoạt động bay; chỉ đạo Trung tâm Quản lý luồng không lưu kịp thời tư vấn cho hãng hàng không, phi công, kiểm soát viên không lưu về các điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến hoạt động bay, phối hợp ra quyết định điều phối lại luồng không lưu, giảm ách tắc và giảm nguy cơ mất an toàn bay trên toàn quốc.

Đối với Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), sân bay Vân Đồn, Cục trưởng yêu cầu tăng cường công tác phối hợp trao đổi, khai thác thông tin dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết ảnh hưởng tới hoạt động khai thác tại sân bay. Thông báo đầy đủ cho các bộ phận liên quan tại sân bay theo quy định, đảm bảo an toàn khai thác.

ACV và các sân bay bị ảnh hưởng bởi thời tiết cần tăng cường bố trí lực lượng phục vụ, điều hành tại sân bay, kịp thời giải phóng máy bay, phối hợp với các hãng hàng không triển khai các phương án xử lý trong trường hợp hoạt động khai thác bị ảnh hưởng do tác động bất lợi của thời tiết. Giám sát và cung cấp kịp thời thông tin tình trạng đường cất, hạ cánh có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động cất, hạ cánh của máy bay cho cơ sở không lưu liên quan.

Cục trưởng Đinh Việt Thắng yêu cầu các cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn khai thác bay, công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ tại các sân bay, chủ động phát hiện các bất cập, vấn đề uy hiếp an toàn…

Hơn 310 chuyến bay rỗng về Tân Sơn Nhất

Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, từ 0 giờ ngày 1-2 đến 16 giờ ngày 3-2 (22-24 tháng Chạp), có 659 chuyến bay bị chậm giờ, chiếm gần 60% số chuyến khai thác.

Trong đó Vietjet Air có 257 chuyến chậm, chiếm hơn 74% tổng số chuyến khai thác của hãng. Vietnam Airlines có 209 chuyến chậm, chiếm hơn 59%. Jetstar Pacific có 44 chuyến bị chậm, chiếm 70%. Bamboo Airways có 43 chuyến, chiếm 57%...

Bên cạnh đó, có 40 chuyến bay tại Tân Sơn Nhất bị hủy, chiếm 3,63% trên tổng số chuyến khai thác.

Tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến vì sương mù liên tiếp trong 4 ngày vừa qua đã khiến áp lực "lệch tải" tiếp tục tăng cao. Các hãng hàng không đã phải tăng cường bay rỗng không có khách (Ferry) từ các sân bay địa phương về Tân Sơn Nhất để tăng tải cho chiều từ TP HCM đi miền Trung và miền Bắc.

Từ 1-2 đến 4-2, đã có hơn 310 chuyến bay rỗng từ các sân bay về Tân Sơn Nhất. Riêng trong ngày 3-2, số lượng chuyến bay rỗng lên đến 104 chuyến. Bay rỗng nhiều khiến các hãng hàng không bị thiệt hại nặng.

Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết ngày 4-2 có 893 chuyến bay đi và đến Tân Sơn Nhất. Lượng hành khách quốc nội đi đạt hơn 60.571 người, giảm hơn 1.000 người so với ngày 3-2 nhưng áp lực tại nhà ga vẫn rất lớn vì tình trạng chậm chuyến vẫn chưa chấm dứt vì ảnh hưởng của thời tiết.

Theo Người lao động