Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm

17/09/2024 - 03:16

 - Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếpđến sức khỏe của người dân, còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, kinh tế - xã hội. Thời gian qua, tỉnh liên tiếp có nhiều chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm; các sở, ban ngành và chính quyền địa phương đã vào cuộc, bước đầu đạt kết quả trong công tác đảm bảo an toàn và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm

BS Lê Nhất Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn. Công tác giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm được quan tâm thực hiện. Đặc biệt là giám sát các mối nguy, đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể từ thiện có quy mô từ 200 suất ăn trở lên/lần phục vụ.

Chi cục đã tổ chức tập huấn triển khai sử dụng Hệ thống quản trị ATTP cho cán bộ huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn; tập huấn ATTP cho 138 người là chủ, đại diện cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình.

Chủ động phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Báo An Giang truyền thông, tuyên truyền các hoạt động “Đảm bảo ATTP Tết 2024” và “Tháng hành động vì ATTP năm 2024”. Đã triển khai và vận hành hệ thống quản trị ATTP từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Chi cục phối hợp và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP tại các sự kiện.

Toàn tỉnh An Giang đã thành lập 347 đoàn kiểm tra ATTP, kiểm tra 8.664 cơ sở. Qua kiểm tra, có 8.570 cơ sở đạt chuẩn, tỷ lệ đạt 98,9%, 94 cơ sở vi phạm, xử phạt 8 cơ sở với số tiền 32 triệu đồng. Thực hiện 215 test nhanh, tỷ lệ đạt 100%. Công tác thanh, kiểm tra, giám sát do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thực hiện gồm 2 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP và 2 cuộc kiểm tra đột xuất. Kiểm tra liên ngành ATTP Tết Nguyên đán tại 31 cơ sở, đạt 24 cơ sở, 7 cơ sở vi phạm, đã ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm với tổng số tiền phạt gần 23 triệu đồng; chuyển 1 hồ sơ sang Đội Quản lý thị trường số 1 xử lý. Kiểm tra liên ngành "Tháng hành động vì ATTP" tại 21 cơ sở, đạt 16 cơ sở, 5 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm số tiền 33 triệu đồng.

Ngoài ra, qua kiểm tra ATTP đột xuất tại 36 cơ sở dịch vụ ăn uống và cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình; phát hiện đạt 5 cơ sở không đạt, ngưng hoạt động 15 cơ sở.

 Kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm

 Lĩnh vực nông nghiệp, kiểm tra 36 cơ sở và lấy 35 mẫu (chả lụa, cá viên, mắm cá lóc, khô cá tra, cà-phê...) để kiểm tra chất lượng. Có 3 mẫu không đạt yêu cầu (chỉ tiêu Phosphate 3810,37mg/kg trong chả lụa, chỉ tiêu SO2 321mg/kg trong thạch dừa, chỉ tiêu Enrofloxacin 1,69 µg/kg, Ciprofloxacin 3,78 µg/kg trong mắm cá lóc) và 2 cơ sở sản xuất - kinh doanh có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP nhưng hết hạn. Đã xử phạt vi phạm hành chính 5 cá nhân, với số tiền 115 triệu đồng.

Còn tiềm ẩn nguy cơ

Hiện nay, chất lượng vệ sinh ATTP liên quan đến cả quá trình từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng. Tình hình vệ sinh ATTP còn nhiều phức tạp, nhất là ATTP thức ăn đường phố. Có 2 con đi học, đưa đón mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Giang (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Thức ăn đường phố tiện lợi, giá “mềm”, tôi thường mua cho con ăn đi học. Thế nhưng, đa số những cơ sở buôn bán này đều nhỏ lẻ, không được cấp giấy phép kinh doanh, không đủ điều kiện ATTP... Rất mong cơ quan chức năng tăng cường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra để đảm bảo ATTP, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, người dân an tâm”.

“Chúng tôi mong ngành chức năng chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm soát chặt với nguồn nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Tuyên truyền để người tiêu dùng, người lao động thấy sức khỏe là vốn quý, tự chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức về bảo đảm ATTP và biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Đặc biệt là, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn” - ông Nguyễn Văn Nhiên (TP. Long Xuyên) đề xuất.

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP cho biết, để đảm bảo ATTP, tỉnh tiếp tục quan tâm công tác quản lý ATTP trên địa bàn; tăng cường, bố trí đầy đủ nguồn nhân lực, kinh phí cho công tác; quan tâm nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu lực quản lý đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, ATTP tại các chợ.

Chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu nông sản, kiên quyết không để các cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cung cấp thực phẩm. Đánh giá nguy cơ mất ATTP, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. Thanh, kiểm tra, từ điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, đặc biệt là việc tuân thủ, chấp hành các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP và thông tin rộng rãi kết quả xử lý để cảnh báo cho cộng đồng.

Cùng với đó, tổ chức tập huấn ATTP cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm do ngành y tế quản lý. Đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp bảo đảm ATTP. Điều tra, đánh giá kiến thức và thực hành đúng ATTP của 4 đối tượng: Nhà quản lý, người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.

HẠNH CHÂU