Từ thuốc lá…
Mặt hàng được đối tượng buôn lậu tìm cách đưa qua biên giới, đưa sâu vào nội địa để tiêu thụ, kiếm lời trong 6 tháng qua là thuốc lá điếu nhập lậu, heo hơi, đường cát và các loại rượu, bia, nước giải khát, vải, gỗ, phế liệu. Chỉ tính riêng lực lượng quản lý thị trường tỉnh, 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng này đã kiểm tra bắt 614 vụ (giảm 27% so cùng kỳ), trong số đó có hàng hóa vi phạm là 214 vụ, xử lý 199 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm 3 tỷ đồng (giảm 7,6 % so cùng kỳ), tổng số tiền thu 2 tỷ đồng (tăng 16% so cùng kỳ).
Riêng đối với mặt hàng cấm, lực lượng này kiểm tra, phát hiện 38 trường hợp vi phạm, tạm giữ 10.153 bao thuốc lá điếu ngoại nhập các loại, xử lý 36 trường hợp, phạt vi phạm hành chính 195,5 triệu đồng. Đối với mặt hàng nhập lậu, kiểm tra 95 trường hợp, phát hiện 85 trường hợp vi phạm, trị giá hàng hóa tạm giữ khoảng 2,3 tỷ đồng, xử lý 78 trường hợp phạt vi phạm hành chính với số tiền 401,8 triệu đồng.
Dịch bệnh COVID-19 xảy ra, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều chốt kiểm soát trên tuyến biên giới nhưng hàng lậu vẫn lén lút qua được biên giới. Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 TX. Tân Châu Trần Hoàng Hải cho biết, khi lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát đường bộ thì đối tượng buôn lậu tổ chức, tìm mọi cách đưa hàng qua biên giới vào lúc ban đêm, họ lợi dụng lúc đêm tối, vận chuyển hàng lậu bằng đường sông hoặc dạt qua bên phía giáp ranh giữa An Giang - Đồng Tháp để đi. Do giá các mặt hàng chênh lệch nên đối tượng buôn lậu tìm mọi thủ đoạn để thực hiện hành vi buôn lậu, nhận định được tình hình này các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát đường sông, nhất là ban đêm.
“Có thời điểm, giá thuốc lá chênh lệch rất cao, khoảng 900 đồng/gói ở khu vực biên giới và tăng dần khi thuốc lá được vận chuyển sâu vào nội địa. Nhu cầu tiêu thụ tăng cao, từ đó các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách để vận chuyển qua biên giới và đi sâu vào nội địa tiêu thụ với các phương thức chủ yếu là sử dụng xe gắn máy 2 bánh chạy tốc độ cao để vận chuyển” - ông Hải chia sẻ thêm.
...đến các mặt hàng khác
Thời gian qua, trên thị trường An Giang, ngoài mặt hàng thuốc lá điếu, đường cát nhập lậu, 6 tháng đầu năm 2020 còn xuất hiện tình trạng buôn lậu mặt hàng heo hơi từ Campuchia về Việt Nam để giết mổ. 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng quản lý thị trường bắt giữ và xử lý 26 vụ, tổng số tiền xử phạt 9 vụ là 56.500.000 đồng. Tổng số vụ tiêu hủy: 17 vụ/229 con heo/18.939kg. Số lượng trên mới chỉ tính riêng lực lượng quản lý thị trường bắt giữ, còn các lực lượng khác như: hải quan, biên phòng, BCĐ 389 các địa phương biên giới nhiều hơn nữa.
Riêng mặt hàng đường cát, từ ngày 1-1-2020, Hiệp định ATIGA có hiệu lực, việc giảm thuế nhập khẩu và xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường đã tác động khiến giá đường trong nước và giá đường tại Campuchia không còn chênh lệch nhiều, có thời điểm giá đường trong nước còn cao hơn 15.000 đồng so với đường nhập lậu (625.000 đồng/bao đường trong nước so với 610.000 đồng/bao đường tại Campuchia). Trước tình hình mới, lực lượng chức năng nhận định, sẽ phát sinh phương thức gian lận mới nhằm đối phó với lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường, cụ thể là lợi dụng hồ sơ nhập khẩu để hợp thực hóa đường cát nhập lậu.
Vì sao tình hình buôn lậu vẫn còn, đây là câu hỏi dư luận đang đặt ra cho các cơ quan chức năng. Theo ông Hồ, một trong những nguyên nhân buôn lậu vẫn còn là do chênh lệch về giá của các mặt hàng giữa Việt Nam - Campuchia khá cao. Cụ thể, đường cát từ 15.000 - 30.000 đồng/bao (50kg). Thuốc lá từ 5.000 đồng/cây/10 gói - 10.000 đồng/cây), giá heo hơi Campuchia khoảng 85.000 đồng/kg, Việt Nam 90.000 đồng/kg. Mặt khác, tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng vẫn còn, vì vậy hàng nhập lậu vẫn còn thị trường tiêu thụ.
Tăng cường kiểm soát hàng hóa trên thị trường không chỉ là chức năng của lực lượng quản lý thị trường mà của cả hệ thống chính trị. Thông qua kiểm soát thị trường, chúng ta còn kiểm soát được số lượng, giá cả; tránh sự khan hiếm giả tạo, ngăn chặn được tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Hy vọng rằng thời gian tới, ngoài 4 lực lượng chức năng làm nhiệm vụ này, các cơ quan quản lý nhà nước khác và nhân dân trên địa bàn mạnh dạn tham gia để kiểm soát thị trường tốt hơn.
“Ở một số thời điểm, khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ngoại tăng cao, các đối tượng buôn lậu tiếp tục tìm mọi phương cách, thủ đoạn để lén lút thực hiện các hoạt động buôn lậu, đưa hàng qua biên giới, xé lẻ để đưa vào nội địa tiêu thụ, vì vậy công tác kiểm soát thị trường hàng hóa phải được thực hiện thường xuyên, liên tục” - ông Huỳnh Ngọc Hồ, Thường trực BCĐ 389 tỉnh khẳng định
|
MINH HIỂN