Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS

26/09/2024 - 07:38

 - Sở Y tế cho biết, số người nhiễm HIV toàn tỉnh được phát hiện lũy tích đến nay là 13.823 người, trong đó tử vong 6.151 người, số nhiễm HIV còn sống quản lý được 7.672 người. Tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp, để giảm nguy cơ tăng người nhiễm HIV.

Theo đánh giá của Sở Y tế, so cùng kỳ năm 2022, số người nhiễm HIV mới được phát hiện có xu hướng giảm. Lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV tại tỉnh. Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao giảm, nhưng tỷ lệ này trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tiếp tục duy trì ở mức cao trong những năm gần đây. Nhóm MSM tiếp tục được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại An Giang. BS.CKII Dương Anh Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang cho biết, thời gian qua, tỉnh tăng cường nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, như: Thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi; can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; chương trình điều trị Methadone; giám sát HIV/AIDS và tư vấn xét nghiệm; hoạt động điều trị HIV/AIDS; chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con... Đồng thời, duy trì 3 cơ sở điều trị Methadone tại 3 Trung tâm Y tế: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu. Hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV triển khai ở 11/11 huyện, thị xã, thành phố. Đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV. Phân phối sinh phẩm tự xét nghiệm qua trang điện tử tuxetnghiem.vn.

Tăng cường tuyên truyền, phòng chống HIV/AIDS

Tỉnh có 6 nơi được cấp phép thực hiện xét nghiệm khẳng định HIV đặt tại: Trung tâm Y tế huyện Châu Phú, An Phú, TP. Châu Đốc; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang và Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc. Tỉnh cũng thí điểm kết nối dữ liệu bệnh nhân đang điều trị tại OPC (quản lý trên phần mềm HMED) kết nối dữ liệu với hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV (HIV INFO). Bước đầu ghép nối thành công hơn 5.000 ca, tỉnh tiếp tục thực hiện ghép nối dữ liệu còn lại. Cùng với đó, triển khai sử dụng phần mềm báo cáo ca bệnh cho các đơn vị xét nghiệm HIV, đơn vị giám sát dịch HIV/AIDS đến 11 huyện, thị xã, thành phố và 156 xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại 10 phòng khám ngoại trú người lớn, 1 phòng khám ngoại trú nhi. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại 12 cơ sở y tế Nhà nước và 1 cơ sở y tế tư nhân - biện pháp mới giúp dự phòng lây nhiễm HIV, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm HIV với người có HIV âm tính và có hành vi nguy cơ cao trong cộng đồng (MSM, phụ nữ bán dâm, vợ/chồng/bạn tình người nhiễm HIV…). “Hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được duy trì, bao phủ từ tuyến tỉnh đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu tiếp cận cho đối tượng nguy cơ cao. Việc đẩy mạnh truyền thông góp phần đưa nhóm đối tượng nguy cơ cao tiếp cận được các dịch vụ dự phòng HIV, đặc biệt là dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), tự xét nghiệm HIV...” - TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế nhận xét.

Theo Sở Y tế, tại An Giang, số người nhiễm HIV tiếp tục tăng, trên 5.700 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị liên tục suốt đời, nên chịu nhiều áp lực và gánh nặng lớn về dịch HIV/AIDS. Tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM vẫn chiếm ưu thế, với đặc điểm lây nhiễm qua đường tình dục là chủ yếu và đối tượng ngày một trẻ hóa. Đây cũng là nhóm có đặc điểm xã hội, hành vi nguy cơ phức tạp, là xu thế chính đối với dịch HIV/AIDS cả nước và của tỉnh thời gian tới. Trong khi đó, hoạt động truyền thông, can thiệp trong nhóm MSM còn thấp, chưa đạt yêu cầu so số ước tính, vì trình độ và năng lực nhân viên tiếp cận cộng đồng còn hạn chế, không tiếp cận được nhiều khách hàng mới thông qua các trang mạng xã hội. Chưa huy động được sự tham gia mạnh mẽ của y tế tư nhân, nhà thuốc, doanh nghiệp xã hội, các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) vào phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài ra, việc hạn chế hiểu biết về PrEP trong cộng đồng, đặc biệt ở nhóm người có nguy cơ cao, như: Người nghiện ma túy, hành nghề bán dâm, nhóm MSM…; khách hàng điều trị PrEP phần lớn thuộc đối tượng trẻ, di biến động, quan điểm PrEP chỉ là dự phòng… dẫn đến không tuân thủ điều trị, không tái khám đúng hẹn, nhất là nhóm sử dụng PrEP tình huống. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử, tự kỳ thị vẫn còn, đặc biệt trong nhóm MSM, dẫn đến hạn chế tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và PrEP...

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục kiện toàn, hoàn chỉnh hệ thống và mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS, các cơ sở điều trị HIV/AIDS đảm bảo bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế. Tăng cường truyền thông thay đổi hành vi bằng nhiều hình thức; nâng cao chất lượng hoạt động nhóm cộng tác viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng các nhóm nguy cơ cao. Tăng cường tư vấn xét nghiệm HIV và các hoạt động xét nghiệm nhiễm mới; thu thập thông tin bạn tình, bạn chích các trường hợp nhiễm HIV mới, nhằm ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng; phát hiện và kết nối điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV, cũng như tiếp cận dịch vụ điều trị PrEP cho nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt là ở nhóm MSM.

HẠNH CHÂU