Nhiều thiệt hại
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lương Huy Khanh cho biết, năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 48 điểm sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, dài 3.733m, làm 146 căn nhà phải di dời khẩn cấp, trong đó nhiều vụ sạt lở quy mô lớn như: sạt lở sông Hậu Quốc lộ 91 (xã Bình Mỹ, Châu Phú), sạt lở sông Hậu (xã An Thạnh Trung, Chợ Mới), sạt lở đê cấp III Kênh Xáng (xã Tân An, TX. Tân Châu)... Tình hình sạt lở ngày càng gia tăng về quy mô, tần suất và lan rộng ở các kênh, rạch nội đồng hết sức nghiêm trọng. So năm 2018 là 62 điểm, dài 2.282m, ảnh hưởng 141 căn nhà.
Ngoài ra, toàn tỉnh còn xảy ra 44 vụ mưa giông, lốc làm 2 người chết và 2 người bị thương; thiệt hại 1.637 căn nhà (81 căn nhà sập hoàn toàn; 1.556 căn nhà tốc mái, xiêu vẹo). Mưa giông còn làm sập, đổ ngã một số kho bãi, trụ điện, bảng hiệu, cơ sở hạ tầng. So năm 2018, xảy ra 52 vụ, thiệt hại 278 căn nhà và một số kho bãi, trụ sở cơ quan và thiệt hại hơn 1.890,7ha lúa, hoa màu.
Khắc phục hậu quả sạt lở
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trần Anh Thư, năm 2020, hạn hán có thể làm cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân ở các xã: Châu Lăng, Cô Tô, An Tức, Lê Trì (Tri Tôn), An Cư, An Hảo, Nhơn Hưng, Chi Lăng (Tịnh Biên).
Vào mùa khô, nhiệt độ có thể tăng cao làm tăng lượng bốc hơi nước và tăng độ mặn trên các sông, rạch thông qua thủy triều mang nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở các xã giáp tỉnh Kiên Giang như: Bình Thành, Thoại Giang, Vọng Thê và thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn); xã Vĩnh Gia, Vĩnh Phước, Lương An Trà, Ô Lâm, Tân Tuyến (Tri Tôn).
Mưa lớn kèm theo giông, lốc, sét có thể làm thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân, gây ra tình trạng ngập úng, đổ ngã lúa và hoa màu, cây trái và gây ngập cục bộ trên các tuyến đường giao thông, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Lũ đầu vụ có thể gây thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp (vụ hè thu).
Lũ chính vụ thường vào tháng 9, 10 gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, cơ sở vật chất hạ tầng (nhà cửa, giao thông, hệ thống công trình thủy lợi, các công trình công cộng như: trường học, công sở, khu vực nuôi trồng thủy sản, vườn cây ăn trái...). Ngoài ra, còn có thể gây chết người, đuối nước ở các huyện đầu nguồn như: An Phú, TX. Tân Châu, khu vực Tứ giác Long Xuyên: Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú...
Sạt lở, sụt lún đất ở các khu vực dọc theo sông Tiền, sông Hậu và các sông, kênh, rạch lớn theo báo cáo kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông hàng năm trên địa bàn tỉnh của Sở Tài nguyên và Môi trường có thể làm thiệt hại về nhà cửa, đường giao thông, nhà máy, kho bãi và đất sản xuất của người dân.
Sẵn sàng các phương án ứng phó
Để kịp thời ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, An Giang đã chủ động, bổ sung hoàn chỉnh các phương án, sẵn sàng ứng phó sát tình hình thực tế. Đặc biệt là các phương án ứng phó với lũ, hạn hán, xâm nhập mặn... theo cấp độ thiên tai. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, dự án về thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp cận, tranh thủ nguồn tài trợ nước ngoài và nguồn vốn của Trung ương. Tăng cường thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, biến đổi khí hậu để người dân sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai. Xây dựng mô hình điểm và nhân rộng các đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp.
Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chủ động mọi nguồn lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý các tình huống; tập trung chỉ đạo tổ chức tốt bảo vệ sản xuất, đảm bảo thu hoạch trọn vẹn khi xảy ra thiên tai. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng để huy động ứng cứu kịp thời khi xảy ra thiên tai, giảm thấp nhất thiệt hại. Kiểm tra, rà soát các công trình đê điều, hồ, đập, các cống bọng dưới đê để có kế hoạch duy tu bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời, quan tâm hơn ở những nơi xung yếu, sạt lở.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công trình đã được ghi vốn nhất là các công trình nạo vét kênh kết hơp tu bổ đê bao, công trình sửa chữa cống, bọng. Tổ chức các điểm giữ trẻ mùa lũ (khi cần). Chuẩn bị phương án bố trí phương tiện và nhiên liệu để bơm tiêu chống úng khi mưa kéo dài. Có phương án bảo vệ an toàn đối với việc nuôi trồng thủy sản như: kiểm tra các bè cá, ao cá... đang nuôi trong vùng lũ. Huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên chuẩn bị tốt để đối phó với lũ núi khi có mưa lớn xảy ra.
HẠNH CHÂU