Ngày 25-3, tại hội nghị Tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm năm 2021, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, điểm mới trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2021 là thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ bằng một trong hai hình thức, đó là sử dụng bằng phiếu hoặc hình thức trực tuyến.
Theo đó, thí sinh được tăng số lần điều chỉnh nguyện vọng lên đến 3 lần thay vì một lần như trước; được sử dụng phiếu kết quả thi THPT để xác nhận nhập học trước khi xét tuyển lọc ảo đợt 1; thống nhất cơ chế phối hợp hỗ trợ trong quá trình đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, xét tuyển lọc ảo, thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh…
Việc giảm chi phí đăng ký xét tuyển nguyện vọng góp phần chia sẻ khó khăn đối với thí sinh.
Tại hội nghị, đa số các trường ĐH đều thống nhất với dự kiến thay đổi của quy chế tuyển sinh theo hướng có lợi cho thí sinh sinh như cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển 3 lần khi có điểm thi tốt nghiệp THPT; giảm lệ phí đăng ký xét tuyển từ 30.000 đồng xuống còn 25.000 đồng/nguyện vọng. Như vậy, mức lệ phí này giảm 5.000 đồng so với kỳ thi tuyển sinh 2020.
Đại diện trường Đại học Văn Lang cho rằng, việc giảm lệ phí đăng ký nguyện vọng sẽ góp phần chia sẻ khó khăn với thí sinh. Theo đó, lệ phí tuyển sinh của thí sinh cũng nên có sự hỗ trợ của các trường ĐH. Còn theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng rrường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, năm 2021, ngoài hình thức đăng ký xét tuyển bằng phiếu, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn dự kiến cho thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến. Nếu thực hiện bằng nền tảng trực tuyến, chắc chắn chi phí sẽ giảm. Ông Nguyễn Trọng Hoài đề xuất, nếu thí sinh sử dụng nền tảng trực tuyến từ đầu đến cuối thì phí phải giảm, còn nếu vừa đăng ký trực tuyến vừa dùng phiếu thì cũng cần tính lại mức lệ phí cho phù hợp.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng lo ngại việc tăng số lần điều chỉnh nguyện vọng sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình lọc ảo của các trường. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, tuy tăng số lần điều chỉnh nguyện vọng nhưng thời gian điều chỉnh nguyện vọng không thay đổi, vì thế sẽ không làm ảnh hưởng đến quy trình lọc ảo và sử dụng dữ liệu của các trường. Theo đó, thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng trong vòng thời gian 10 ngày và trong thời gian đó, các trường không cập nhập dữ liệu. Chỉ sau khi đóng thời gian điều chỉnh nguyện vọng, các trường mới thực hiện lọc ảo.
Theo ĐAN PHƯƠNG (Báo Tin Tức)