Bén duyên với nghề
Cùng với sự phát triển của nghề nuôi cá, nhu cầu về các sản phẩm để hỗ trợ chăn nuôi cũng trở nên quan trọng. Trong đó, bội bắt cá là sản phẩm không thể thiếu trong quá trình thu hoạch. Trước nhu cầu này, anh Huỳnh Văn Hải (ngụ ấp Bình Phú 1, xã Phú Bình) đã mài mò, nghiên cứu, phát triển sản phẩm bội bắt cá.
Trước đây, anh Hải từng đi làm thuê tại Bình Dương. Sau thời gian bôn ba, anh Hải về quê, lựa chọn nghề mộc để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, nhu cầu về các mặt hàng mộc tại địa phương không nhiều, tiêu thụ khó khăn. Nhận thấy nghề nuôi cá đang phát triển, nhu cầu về các loại bội để bắt cá khá lớn trong khi nguồn cung không đáp ứng đủ nên anh quyết định bắt tay vào việc sản xuất dụng cụ này.
Anh Hải cho biết, để làm ra 1 chiếc bội bắt cá hoàn chỉnh cần phải trải qua ít nhất 8 công đoạn. Tre sau khi mua về được cắt từng đoạn ngắn rồi chẻ thành từng thanh có kích thước vừa phải. Thanh tre sau đó được vót mỏng rồi tiến hành phơi khoảng 3 nắng là có thể đưa vào sản xuất. Khi đã chuẩn bị xong nguyên liệu là đến công đoạn làm thân bội. Ở công đoạn này, các thanh tre được buộc cố định vào vành hình tròn (làm từ vành xe đạp). Mỗi chiếc bội thường sử dụng 28 thanh cố định vào 4 vành. Anh Hải còn buộc kèm thêm vỏ xe phía ngoài để tăng thêm độ chắc chắn của từng sản phẩm. Sau khi đã làm xong phần thân, cuối cùng là gắn đáy bội vào để hoàn chỉnh sản phẩm. “Do sản phẩm có trên thị trường từ lâu nên tôi đã cải tiến một vài chi tiết để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ngoài cố định bằng dây ny-lon loại to, các thanh nan tre còn được bắt thêm ốc-vít vào. Nhờ vậy mà sản phẩm chắc chắn hơn, thời gian sử dụng cũng lâu hơn so với các sản phẩm cùng loại” – anh Hải chia sẻ.
Dù mới hình thành, nhưng nghề làm bội bắt cá của anh Hải đã có chỗ đứng trên thị trường
Lấy chất lượng làm uy tín, anh Hải chọn loại tre rừng già để làm bội, tăng thời gian sử dụng. Anh Hải chỉ chọn tre ruột dày, không sử dụng tre lồng phấn
(ruột mỏng), giúp nâng cao chất lượng cho từng sản phẩm. Anh Hải cho biết, mỗi tháng, anh sản xuất khoảng 60 chiếc bội, bán cho khách hàng với giá 750.000 đồng/chiếc. Sau khi trừ chi phí nguyên vật liệu và thuê lao động, anh Hải thu về lợi nhuận khoảng 200.000 đồng/chiếc. Sản phẩm có đầu ra ổn định, không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn xuất bán sang các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và TP. Cần Thơ… “Sản phẩm sử dụng liên tục có tuổi thọ khoảng 1 năm. Nếu tính theo thời gian chăn nuôi của nông dân, 6 tháng/lần thì mỗi chiếc bội có thể sử dụng trong thời gian 3-4 năm” - anh Hải thông tin.
Tạo thêm việc làm
Hiện nay, sản phẩm bội bắt cá của gia đình anh Hải khá hút hàng nên anh thuê thêm lao động, thực hiện các công đoạn như vót tre, buộc vành... để kịp tiến độ giao cho khách hàng. Anh Hải đang thuê 9 lao động, trả công bình quân từ 4-5 triệu đồng/tháng. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Nghề làm bội bắt cá được hình thành ở xã Phú Bình hơn 2 năm nay, hiện có 3 hộ gắn bó với nghề, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 26 lao động nhàn rỗi tại địa phương. Để phát triển nghề đan bội, xã đã thành lập Chi hội nghề nghiệp đan bội bắt cá gồm 15 thành viên, do anh Huỳnh Văn Hải làm Chi hội trưởng. Hội Nông dân xã Phú Bình đã trao đổi, tuyên truyền các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển làng nghề nông thôn, đồng thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các thành viên; báo cáo Đảng ủy xã để định hướng phát triển cho nghề. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Bình Nguyễn Thanh Toàn cho biết, địa phương cũng đã hỗ trợ vốn 50 triệu đồng cho Chi hội nghề nghiệp đan bội bắt cá để trang bị máy vót tre cho các thành viên từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện Phú Tân. Việc hỗ trợ máy vót tre sẽ góp phần tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận, tạo điều kiện cho bà con phát triển mô hình lâu dài.
Nghề đan bội bắt cá hiện đang được duy trì và tiếp tục phát triển tại xã Phú Bình. Mô hình không chỉ giúp lao động có việc làm, ổn định đời sống mà còn góp phần thực hiện tốt các tiêu chí về nông thôn mới như: Thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hộ nghèo, an ninh trật tự xã hội…
|
ĐỨC TOÀN