Tạo đồng thuận về chính sách bảo hiểm y tế

31/10/2024 - 06:37

 - Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo, tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Tuy nhiên, cách thực hiện chính sách BHYT nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân, liên quan đến mức đóng, thụ hưởng quyền lợi.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại với chính quyền các địa phương, người dân thường xuyên bày tỏ băn khoăn về vấn đề này. Bà Nguyễn Thị Bé Tám (ngụ xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành) cho biết: “Chi phí mua BHYT đã tăng liên tục. Người được hưởng lương Nhà nước mức đóng BHYT tăng đã đành, nông dân, người lao động ngoài Nhà nước cũng phải nặng gánh theo. Tuy nhiên, việc tiếp cận và sử dụng BHYT vẫn còn gặp khó khăn, nhất là việc chi trả dịch vụ y tế cần thiết. Chúng tôi rất mong được đảm bảo quyền lợi BHYT, như vậy mới có thể duy trì tham gia lâu dài, đầy đủ”.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh thông tin: “Đi đến đâu, chúng tôi cũng đều nghe phản ánh bất cập về đóng BHYT, đặc biệt là BHYT học sinh. Chúng tôi thống nhất với một số ý kiến đề xuất của đại biểu Quốc hội: Nghiên cứu tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên, có thể bằng mức đóng của người thứ 4 hoặc người thứ 3 theo hình thức hộ gia đình, để đảm bảo phù hợp thu nhập hiện tại và tạo sự thống nhất cao hơn trong việc tham gia BHYT hoặc tăng tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho học sinh, sinh viên tham gia BHYT từ 30% lên tối thiểu 50%”.

 Theo quy định hiện nay, người đầu tiên trong hộ gia đình sẽ đóng BHYT một tháng 4,5% mức lương cơ sở (hơn 1,2 triệu đồng). Người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất (hơn 500.000 đồng). Học sinh, sinh viên thuộc nhóm do ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. Các em đang theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân sẽ tham gia BHYT tại trường đang học, không tham gia BHYT hộ gia đình; có thể linh động lựa chọn đóng theo 3 phương thức (3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng/lần).

Trao tặng bảo hiểm y tế cho học sinh nghèo

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, khi lương cơ sở được điều chỉnh tăng, đồng nghĩa với việc mức hưởng BHYT của người tham gia cũng sẽ tăng, thể hiện ở 7 nội dung. Thứ nhất, người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh (KCB) đúng quy định, có tổng chi phí 1 lần KCB thấp hơn 15% lương cơ sở bằng 351.000 đồng thì không phải cùng chi trả (mức cũ 270.000 đồng). Thứ hai, mức chi trả tối đa vật tư y tế cho 1 lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật của một số đối tượng là 105,3 triệu đồng (mức cũ 81 triệu đồng). Thứ ba, người bệnh có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 14,04 triệu đồng sẽ được hưởng 100% chi phí KCB BHYT cho đến hết năm dương lịch (mức cũ 10,8 triệu đồng). Thứ tư, người tham gia BHYT khi KCB ngoại trú tại bệnh viện tuyến huyện không có hợp đồng KCB BHYT, được thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng, tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở là 351.000 đồng (mức cũ là 270.000 đồng). Thứ năm, người tham gia BHYT khi KCB nội trú tại bệnh viện tuyến huyện không có hợp đồng KCB BHYT, được thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng, tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở là 1.170.000 đồng (mức cũ là 900.000 đồng). Thứ sáu, người tham gia BHYT khi KCB nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh mà không có hợp đồng KCB BHYT, Quỹ BHYT thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng, tối đa không quá 1 lần mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng (mức cũ là 1,8 triệu đồng). Thứ bảy, người tham gia BHYT khi KCB nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương không có hợp đồng KCB BHYT, Quỹ BHYT thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng, tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở (hơn 5,8 triệu đồng, mức cũ 4,5 triệu đồng).

Cùng với đó, mức hưởng chế độ BHXH tăng ở 11 nội dung:  Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản từ 540.000 đồng lên 702.000 đồng/ngày. Mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị tại gia đình từ 450.000 đồng lên 585.000 đồng/ngày. Mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị tại cơ sở tập trung từ 720.000 đồng lên 936.000 đồng/ngày. Mức hưởng trợ cấp mai táng phí từ 18 triệu đồng lên 23,4 triệu đồng. Mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân từ 900.000 đồng lên hơn 1,1 triệu đồng. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi từ 3,6 triệu đồng lên gần 4,7 triệu đồng…

Tính đến tháng 9/2024, số người tham gia BHYT trong tỉnh là 1,7 triệu người (chiếm 89,8% dân số, tăng 7.040 người so cùng kỳ năm 2023). Để đạt độ bao phủ BHYT 93% theo chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh, cần phát triển 80.163 người. “Chúng tôi phối hợp cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền “Những điểm mới của chính sách BHYT từ ngày 1/7/2024”; treo băng-rôn kết hợp truyền thông lưu động. Trong tháng 7 và 8/2024, tổng ra quân thực hiện Chiến dịch “50 ngày đêm đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động tham gia BHXH, BHYT”, tiếp cận 66.955 người dân, phát triển 9.471 người tham gia BHXH tự nguyện, 65.886 người tham gia BHYT hộ gia đình. Triển khai Chương trình “Thẻ BHYT cho học sinh và người dân có hoàn cảnh khó khăn” của UBMTTQVN tỉnh...” - Phó Giám đốc BHXH tỉnh An Giang Lê Chí Thành cho biết.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, nhằm khắc phục tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật BHYT hiện hành. Thiết nghĩ, cần tiếp tục tuyên truyền rộng rãi những điểm ưu việt, tích cực của chính sách BHYT, lắng nghe, cầu thị tiếp thu ý kiến Nhân dân về những bất cập đang gặp phải, góp phần xây dựng chính sách BHYT thật sự hiệu quả, công bằng, nhân văn.

AN KHANG