Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết, Bộ GD và ĐT đã thành lập tổ chuyên gia từ các cơ sở giáo dục ĐH đại diện cho các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo để phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH và tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non (quy chế tuyển sinh). Theo dự kiến, quy chế tuyển sinh năm 2021 cơ bản được giữ nguyên như năm 2020, chỉ có một số thay đổi về mặt kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Cụ thể, năm nay, thí sinh được đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ theo một trong hai hình thức là bằng phiếu hoặc trực tuyến tại những nơi có điều kiện. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, dự kiến thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ba lần thay vì một lần như năm 2020. Bộ GD và ĐT yêu cầu các trường xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường, bảo đảm vị trí thuận lợi nhất để thí sinh dễ dàng tìm hiểu. Đối với hình thức đào tạo chính quy, thời gian công bố công khai phải trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển; đối với các hình thức đào tạo khác, trước ít nhất 45 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển. Đối với các trường có yêu cầu về tiêu chí phụ hay sơ tuyển trong tuyển sinh thì phải có giải pháp để khi đưa vào hệ thống xét tuyển lọc ảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.
Học sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2020. Ảnh: MINH HÀ
Theo GS, TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, việc Bộ GD và ĐT cho phép thí sinh đăng ký trực tuyến là phù hợp, làm cho công tác tuyển sinh gọn nhẹ, dễ dàng, thuận lợi hơn. Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, GS Nguyễn Hữu Tú cho biết: 50% chỉ tiêu của các trường vẫn phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT, cho nên Trường đại học Y Hà Nội cũng như nhiều trường mong muốn Bộ GD và ĐT chủ trì và siết chặt cả ba khâu từ ra đề thi, coi thi, chấm thi. Đáng chú ý, năm 2020, do dịch bệnh, đề thi tốt nghiệp THPT ra ở mức kiến thức cơ bản, năm nay đề thi cần có sự phân loại mạnh hơn, tạo điều kiện cho các trường trong việc sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển.
Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến tán thành, một số trường băn khoăn việc cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ba lần là quá dài, gây ảnh hưởng đến thời gian tuyển sinh cũng như khiến thí sinh gặp khó khăn trong việc tính toán, lựa chọn ngành học. Theo TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, việc điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần có thể gây ra sự phân tâm cho thí sinh. Thậm chí, bản thân thí sinh cũng không nhớ là mình đã thay đổi nguyện vọng như thế nào. Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng Lê Quang Sơn cũng đề nghị dừng lại ở hai lần điều chỉnh nguyện vọng và thời gian gói gọn dưới 10 ngày điều chỉnh để các trường bảo đảm chủ động trong công tác tuyển sinh.
Đáng chú ý, liên quan đến lệ phí tuyển sinh, nhiều cơ sở đào tạo đề xuất giảm mức lệ phí đăng ký xét tuyển nhằm chia sẻ gánh nặng với thí sinh, phụ huynh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS Nguyễn Phong Điền đề xuất giảm mức lệ phí xét tuyển từ 30 nghìn đồng/nguyện vọng xuống còn 25 nghìn đồng/nguyện vọng. Mặt khác, cần thống nhất đưa ra mức phí chung giữa các trường nhằm giúp thí sinh yên tâm đăng ký nguyện vọng mà không phải bận tâm khi mỗi nguyện vọng đăng ký vào các trường lại phải nộp các khoản phí khác nhau. Đồng quan điểm trên, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, PGS, TS Bùi Đức Triệu cho biết, không nên quy định mỗi trường một mức giá khác nhau vì sẽ khiến thí sinh bị phân tâm. Mức giảm nên được thống nhất giữa các trường ĐH để tạo thuận lợi cho thí sinh. Còn theo Hiệu trưởng Trường đại học FPT (Hà Nội), TS Nguyễn Khắc Thành cho rằng, mức phí từ 30 nghìn xuống 25 nghìn dù chỉ giảm năm nghìn đồng tuy không nhiều nhưng sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực cho thí sinh và phụ huynh.
Theo Thứ trưởng GD và ĐT Hoàng Minh Sơn, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021 vẫn giữ ổn định, cải tiến về mặt kỹ thuật có lợi cho học sinh. Các trường cần chuẩn bị tốt phương án tuyển sinh và tư vấn tuyển sinh, bảo đảm tính nhất quán về thông tin khi cung cấp cho thí sinh. Cùng với đó, Bộ GD và ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong thi cử, xét tuyển và kỳ thi tuyển sinh riêng của các đơn vị. Các trường cũng cần tăng cường thanh tra nội bộ, xét tuyển công bằng, công khai và đúng quy chế. Đối với các trường tổ chức thi riêng, cần tạo điều kiện cho thí sinh không phải đi nhiều lần, nhiều nơi; các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau, trên tinh thần hợp tác và đồng thuận. Bộ GD và ĐT sẽ hoàn thiện quy chế tuyển sinh 2021, đồng thời kiểm tra, rà soát và nâng cấp phần mềm tuyển sinh, nhằm đáp ứng tốt hơn cho các cơ sở đào tạo và thí sinh, vừa bảo đảm yêu cầu bảo mật thông tin cá nhân, vừa hỗ trợ các trường dữ liệu theo quy định của pháp luật...
Theo Báo Nhân Dân