Tập trung ứng phó thiên tai

15/10/2020 - 07:14

 - Qua tổng hợp số liệu từ các địa phương, tình hình thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh An Giang 9 tháng của năm 2020 khoảng 209 tỷ đồng. Những tháng cuối năm, dù nhận định lũ nhỏ nhưng diễn biến mưa bão, giông lốc vẫn phức tạp. Do thiếu hụt dòng chảy, tình hình sạt lở đất bờ sông dự báo vẫn nghiêm trọng.

Thiệt hại lớn

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCĐ ƯPBĐKH-PCTT&TKCN) tỉnh An Giang Lương Huy Khanh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn An Giang đã xảy ra 52 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài sạt lở 3.598m (Long Xuyên 9 điểm, Tân Châu 9 điểm, An Phú 11 điểm, Chợ Mới 4 điểm, Châu Phú 16 điểm, Phú Tân 3 điểm), ảnh hưởng đến 118 căn nhà của người dân sống trong khu vực. Ước thiệt hại về đất khoảng 6,7 tỷ đồng.

Đối với thiệt hại do mưa, giông, lốc, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra trên 100 vụ giông lốc làm 4 người bị thương, thiệt hại 595 căn nhà (sập hoàn toàn 40 căn; tốc mái, xiêu vẹo 555 căn) và nhiều tài sản khác (nhà kho, tốc mái trạm y tế, ngã trụ điện...). Ước thiệt hại về tài sản khoảng 7,9 tỷ đồng. Trong sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích bị thiệt hại 16.839,85ha, ước thiệt hại 194,4 tỷ đồng.

Đối với thiệt hại do bão số 2 gây ra (từ ngày 31-7 đến 3-8-2020), theo số liệu tổng hợp báo cáo của 9/11 huyện, thị xã, thành phố (Chợ Mới và Thoại Sơn chưa gửi báo cáo), với tổng diện tích lúa, màu, cây ăn trái bị thiệt hại là 14.351,55ha (vụ hè thu 14.155,53ha; vụ thu đông 196,02ha). Chi cục Thủy lợi đang phối hợp địa phương để hoàn chỉnh hồ sơ tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trình UBND tỉnh phương án khắc phục.

Ông Khanh cho biết, khi thiên tai xảy ra, BCĐ ƯPBĐKH-PCTT&TKCN cấp tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan và UBND, Ban Chỉ huy ƯPBĐKH-PCTT&TKCN cấp huyện đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân di dời, sắp xếp bố trí chỗ ở tạm, giữ an ninh trật tự, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, khắc phục kịp thời hậu quả, góp phẩn ổn định đời sống nhân dân.

Đối với sạt lở đất bờ sông, tỉnh đã thẩm tra các hộ dân bị thiệt hại, tiến hành hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ có nhà bị sạt lở phải di dời. Từ nguồn quỹ PCTT, tỉnh đã hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ có nhà bị sập, 15 triệu đồng/hộ nhà bị tốc mái hoàn toàn, 10 triệu đồng/hộ nhà bị tốc mái 50-70%, 5 triệu đồng/hộ nhà bị tốc mái 30-50%.

Thường trực BCĐ ƯPBĐKH-PCTT&TKCN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thống nhất chủ trương hỗ trợ từ quỹ PCTT để hỗ trợ thiệt hại nhà ở và cây trồng năm 2019 với tổng kinh phí 10,7 tỷ đồng; hỗ trợ di dời dân cư vùng sạt lở Châu Phú 580 triệu đồng; đang phối hợp với các địa phương tổng hợp nhu cầu hỗ trợ thiệt hại giông lốc năm 2020. UBMTTQVN tỉnh và các ngành, đoàn thể đã hỗ trợ và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ cho các hộ dân có chỗ ở, ổn định cuộc sống.

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó thiên tai

Không chủ quan, lơ là

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, trên cơ sở kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể của BCĐ ƯPBĐKH-PCTT&TKCN tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên BCĐ cấp mình, xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN, rà soát các phương tiện phục vụ công tác PCTT, góp phần đảm bảo nhân lực, vật lực tham gia ứng cứu khi có sự cố do thiên tai gây ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa, bão.

Để chủ động hơn nữa trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, BCĐ ƯPBĐKH-PCTT&TKCN tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện 5 kế hoạch, phương án cụ thể, trong đó có tính đến phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục cho từng cấp độ mưa, lũ, giông lốc…

“Sở NN&PTNT thường xuyên phối hợp Đài Khí tượng Thủy văn An Giang, các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, các loại hình thiên tai để người dân chủ động phòng tránh kịp thời. Trong mùa mưa, lũ, Sở NN&PTNT tham mưu tổ chức, phối hợp sở, ban, ngành và địa phương tổ chức nhiều đoàn đi thực địa để kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở địa phương trong công tác PCTT, từ đó tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn địa phương các biện pháp phòng, chống với các loại hình thiên tai…” - ông Lâm thông tin.

Đối với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đã chủ trì xây dựng và triển khai 2 kế hoạch hiệp đồng với các lực lượng công an, quân đội đứng chân trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN, phòng, chống cháy, nổ, cháy rừng năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

NGÔ CHUẨN

Dự báo đỉnh lũ đầu nguồn năm nay khó vượt qua mức báo động 1, thời gian xuất hiện đỉnh lũ vào nửa cuối tháng 10 (trễ hơn hàng năm gần 1 tháng). Tuy nhiên, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, không chủ quan, lơ là trong phòng ngừa, ứng phó thiên tai, mưa, lũ thất thường. Trong đó, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và người dân trong phòng chống thiên tai, ứng phó mưa lũ, sạt lở đất trên cơ sở phát huy sức dân, thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”.