Ngày trước, cách đây khoảng vài chục năm, khi đời sống kinh tế còn nghèo khó, chuyện trẻ con tại các làng quê được ăn kẹo bánh thỏa thích chỉ có ở những ngày Tết.
Trong mấy ngày Tết, thường là nhà nào cũng có vài ba gói bánh quy, dăm bảy gói kẹo dùng tiếp khách tới chúc Tết, vài gói mứt bày trên bàn thờ để hết Tết mới bỏ xuống ăn.
Dù nhà có nghèo nhất làng đi chăng nữa, ngày Tết vẫn có đủ bánh kẹo, mứt, thịt, chả giò, bánh chưng… bởi các cụ ta vẫn từng bảo: “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”.
Tết năm nào nhà tôi cũng có nhiều loại bánh kẹo mẹ mua ở chợ huyện, song món kẹo duy nhất mà chẳng năm nào thiếu được, đó là kẹo lạc mà bà nội vẫn đều đặn nấu mỗi khi Tết đến xuân về.
Ngày anh chị em chúng tôi còn nhỏ xíu, dẫu nhà trồng ra lạc nhưng chỉ Tết mới được ăn kẹo lạc của bà nấu. Vì lạc trồng ra phải dành mang bán lấy tiền cho các nhu cầu chi tiêu khác. Thông thường, cứ qua ngày ông Táo về trời vài hôm là bà chuẩn bị lạc, đường, gừng, gạo rang giã nhỏ để nấu.
Mỗi năm đến Tết, tôi lại nhớ món kẹo lạc của bà nội tự tay nấu. (Ảnh minh họa: Chu Khang Long).
Nồi kẹo thường được bà bắc bếp vào hôm 27, 28 Tết. Trong nhà tôi, mẹ cũng có thể làm được món này, nhưng chẳng thể làm ngon, nấu khéo như bà, nên dù có bận rộn thế nào bà vẫn luôn đảm nhận phần việc nấu kẹo lạc Tết.
Công đoạn đầu tiên của việc nấu kẹo là bà bỏ đường (có thể dùng đường trắng, đường đỏ tùy ý) vào xoong rồi hòa chút nước lã và đun lên.
Nồi đường sôi liu riu tới lúc nào kiểm tra thấy độ đậm đặc, nhỏ một giọt từ đầu đũa xuống bát nước lạnh thấy nó đóng cục không dính tay là được. Trong xoong đường phải nêm chút gừng tươi giã nhỏ thì mới thơm, mới dậy mùi hấp dẫn và chính vị nóng ấm của gừng còn có tác dụng chữa chứng viêm họng, hay đau bụng.
Khi xoong đường đã đạt yêu cầu, bà đổ lạc đã rang chín vàng, sàng sảy sạch sẽ vào và dùng đũa cái quấy thật đều tay cho các mảnh lạc quyện đều vào nồi mật đường đã dẻo quánh, tạo thành khối mạch nha hấp dẫn. Khi nào chiếc đũa cái quấy nặng tay, xoong kẹo có độ đặc quánh là xong. Nhưng nhớ từ lúc bỏ lạc vào thì lửa phải cháy nhỏ nếu không xoong kẹo sẽ bị cháy khét.
Khối đường tan chảy hòa lẫn với lạc ấy được đổ ra một chiếc sàng tre, hoặc chiếc mâm nhôm bên dưới có lót lá chuối xanh, trên mặt lá phủ bột gạo rang giã nhỏ mịn làm áo để kẹo không bị dính xuống mặt mâm, hay sàng. Độ dày hay mỏng của các thanh kẹo là tùy vào độ dàn trải mỏng, hay dày của người nấu mà thôi.
Công việc dùng dao mỏng cắt kẹo thành từng thanh hình chữ nhật cũng khá cầu kỳ, nếu không có kinh nghiệm, các thanh kẹo sẽ vỡ vụn, nhìn mất ngon.
Sau khi đổ kẹo ra sàng, mâm thì phải cắt thanh nhanh tay, nếu chậm vài chục phút kẹo sẽ cứng, không thể cho ra các thanh kẹo đều đặn xinh xắn, mà tạo thành mảng lớn, khi ăn phải bẻ từng miếng.
Tính từ khi đổ kẹo ra, dàn mỏng trên mâm thì khoảng vài, ba tiếng là kẹo nguội và có thể ăn được rồi. Công việc tách từng thanh kẹo lạc bỏ vào lọ thủy tinh bà thường giao cho tôi. Mỗi khi làm xong bà đều thưởng cho tôi những thanh kẹo không vuông vắn phía lề sàng, góc mâm.
Ảnh minh họa
Từ lúc sinh ra cho tới khi lớn lên và ra thành phố học tập rồi ở lại lập nghiệp, tôi đã có bao mùa Tết được quây quần bên nồi kẹo lạc bà nấu. Tôi đã nằm lòng công thức nấu kẹo lạc của bà, nhưng không hiểu sao mấy lần chế biến thử món này tôi đều thấy nó không thể ngon, giòn thơm như bà vẫn từng nấu.
Cách đây mấy năm bà tôi đã trở về với tiên tổ. Dẫu cuộc sống đã đủ đầy, chẳng thiếu gì các loại bánh kẹo, song mỗi dịp Tết đến xuân về tôi vẫn luôn nhớ bà nội. Lòng lại nôn nao thèm một đĩa kẹo lạc đơn sơ mộc mạc nhưng thơm giòn, ngọt ngào mà khi còn sống bà vẫn thường nấu cho cả gia đình thưởng thức.
Theo Vietnamnet