Tết đoàn viên

08/02/2022 - 06:18

 - Mỗi dịp cận Tết, hầu như nhiều người phải “đau đầu” với rất nhiều khoản chi tiêu, mua sắm Tết, lo lắng phương tiện di chuyển về quê… nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn khá phức tạp. Tác động của dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, nhiều người giảm thu nhập nên mọi thứ càng tối giản và chi tiêu tiết kiệm hơn, đặc biệt là trong dịp Tết.

Trước Tết, không ít người còn mang suy nghĩ, Tết này chắc sẽ buồn tẻ lắm, khi mà đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã “càn quét” khủng khiếp, giờ lại thêm xuất hiện biến chủng Omicron. Nhưng không, có lẽ do sau đại dịch kinh hoàng, người ta càng thêm trân quý những giá trị thiêng liêng của cuộc sống, mong muốn bù đắp cho nhau; ai cũng muốn trở về để được đoàn tụ cùng gia đình, cùng quê hương ruột thịt. Thế nên, Tết ở quê nhưng thật ấm lòng. Tay bắt, mặt mừng nhưng Tết này ai cũng luôn đeo khẩu trang và rất có ý tứ đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều người còn chuẩn bị sẵn nhiều que test nhanh COVID-19, dung dịch khử khuẩn để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

“Tôi thích cảm giác được trở về nhà. Cuộc sống nơi thành thị quá áp lực khiến tôi cảm thấy việc được nghỉ Tết, trở về quê thăm gia đình chính là thời gian thư giãn tuyệt vời nhất. Không đâu bằng quê hương, xứ sở của mình” - chị Hồng Đậm (công nhân làm ở Bình Dương) chia sẻ.

Đã lâu rồi mới lại thấy cảnh đồng quê nên không bỏ lỡ cơ hội tận hưởng cảm giác về quê ăn Tết. Đám trẻ ở quê vừa chạy nhảy, vừa hăng hái leo lên mấy cây ổi ở góc sân hái trái ăn chơi, chụp ảnh "tự sướng" (Selfie) rồi cùng nhau chạy ra cánh đồng thả diều, câu cá… Mùi cỏ úa, hương lúa thơm thơm, hương đất phù sa tỏa khắp cánh đồng hấp dẫn tâm hồn người phố chợ.

Những ngày Tết ở quê, được sống trong ngôi nhà một thời gắn bó, khung cảnh làng quê mở ra trước khung cửa, chị Đậm cảm thấy quê hương, gia đình mình đẹp quá, thân thương quá. Sau phần chào hòi, chúc mừng năm mới, câu hỏi đầu tiên “nghe quen quen” là “Chích (tiêm vaccine phòng COVID-19) được mấy mũi rồi?”, “Có thẻ xanh chưa?”… Mừng vui vì ai cũng bình an vượt qua đại dịch, đồng thời cũng chia sẻ những mất mát đối với những người kém may mắn…

Tết là dịp đoàn tụ cùng người thân sau thời gian xa cách. Đối với nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, ngày Tết vẫn mang cái gì đó thiêng liêng, giàu ý nghĩa. Bởi, Tết thời nay là sự giao thoa, tiếp nối giữa những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại. Sau một năm bôn ba làm ăn nơi xứ người, ngày Tết là dịp để trở về quê hương, đoàn tụ cùng gia đình, dòng tộc. Đặc biệt là trở về cùng không khí Tết cổ truyền, để mỗi chúng ta có dịp trân quý những ngày tháng cũ và “lên dây cót” tinh thần trong năm mới.

Với người xa quê, Tết được về 1-2 ngày đã là hạnh phúc lắm rồi. Tết về quê là phải đến thăm bà con nội ngoại, thành kính đốt nén nhang thắp lên bàn thờ ông bà. Đến nhà nào cũng có bánh, mứt, rượu, thịt để tiếp đãi con cháu, họ hàng. Thăm nhà này mà không ghé nhà kia thì rất thiếu sót. Bởi vậy, đi một vòng hết thảy bà con cũng mất mấy ngày trời. Nhưng trong tình hình dịch bệnh, việc chúc Tết cũng rất hạn chế để đảm bảo an toàn. Những địa phương có khu du lịch càng thu hút giới trẻ tranh thủ check-in trong thời gian về quê đón Tết. Còn với người thành thị, những quãng đồng, triền đê, cây nhà lá vườn… cũng là bối cảnh đẹp để check-in. Làng quê bình dị nhưng luôn chan chứa nhiều cảm xúc.

Không khí đón Tết sum vầy cũng là tín hiệu cho thấy dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, cuộc sống đang dần trở lại bình thường, tạo đà cho kinh tế phục hồi và phát triển.

Khởi đầu năm mới, các khu, điểm du lịch, điểm tham quan, giải trí trên địa bàn tỉnh An Giang tiếp đón lượng du khách khá đông. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lượng khách tham quan tại các khu du lịch tỉnh từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 6 Tết khoảng 740.000 lượt khách, tăng 83% so dịp Tết Nguyên đán 2021.

H.C

HỮU HUYNH