Tết giữa đồng

10/02/2024 - 08:29

 - Dịch COVID-19 lùi xa vào dĩ vãng, trở thành một loại ký ức đặc biệt, dần nguôi ngoai theo thời gian. Mọi nhịp sống trở lại như thời điểm trước dịch, “chưa hề có cuộc chia ly”. Thế nhưng, vẫn còn nhiều cán bộ, chiến sĩ (CBCS) tiếp tục đón cái Tết thứ 4 trên tổ, chốt biên giới. Hành trình ấy chưa biết kết thúc khi nào…

Mùa nắng hay mùa mưa, mùa khô hay mùa nước, muốn vào mương Sáu Nhỏ (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang), chỉ có thể ngồi lắc lư trên vỏ lãi, chậm rãi rời xa phố thị du lịch, tiến vào giữa đồng không mông quạnh. Mấy đời ông bà liên tiếp tích cóp được hơn 50 công đất ruộng, ông Lâm Vũ Phong (sinh năm 1981, ngụ phường Vĩnh Nguơn) chắt chiu, gìn giữ, gắn bó với khối tài sản ấy. “Để tiện trông coi lúa, chúng tôi dựng chòi nhỏ giữa đồng. Mùa lúa, hầu như vợ chồng tôi ở suốt nơi này, chỉ về nhà khi nước lên trắng đồng. Thậm chí, giao thừa tôi vẫn không yên tâm, cứ nhóng nhóng ra coi ruộng thế nào, bảo vệ vụ đông xuân ăn chắc” - ông Phong kể.

Có lẽ, gắn bó với đồng ruộng heo hút đã lâu, họ bớt dần cảm xúc với ồn ào phố xá, quen không gian tĩnh mịch của khu vực biên giới. Năm mới, năm cũ, đôi vợ chồng cùng mấy chú chó lặng lẽ ngắm thời gian trôi qua, ấp ủ những mong ước thật bình dị về cuộc sống nhẹ nhàng, đầm ấm. Vậy mà, năm 2020, dịch COVID-19 tràn về, càn quét khắp nơi, mang bất trắc ra đến đồng ruộng. Biên giới không còn bình yên, mọi thứ bị xáo trộn kinh khủng.

Nhưng vợ chồng ông Phong vẫn cần mẫn, bám trụ ở mương Sáu Nhỏ, với đồng ruộng nhà mình. Chỉ khác, một tổ chốt chống dịch được dựng lên, sát với cái chòi nhà họ. “Hàng xóm” của họ là từng tốp CBCS đủ sắc phục, đơn vị, cứ thay phiên nhau canh gác. “Tối lửa tắt đèn”, vợ chồng ông sát cánh cùng những người lính, giúp đỡ từng bữa ăn, từng dụng cụ sinh hoạt, thân thiết như người nhà. Thậm chí, họ cùng góp sức quản lý, bảo vệ, gìn giữ biên giới.

Đêm giao thừa, không khí vắng lặng trước đây được thay thế bằng sự rộn ràng của nhiều người lính trẻ. “Sinh ra, lớn lên, sản xuất lúa sát biên giới, tụi tôi hiểu rõ tinh thần trách nhiệm cùng Nhà nước giữ gìn đường biên, cột mốc. Bộ đội lên đóng chốt ở đây, tụi tôi mừng dữ lắm. Xung quanh yên ổn thì mình mới yên ổn làm lúa, không sợ bất trắc xảy ra. Mấy cái Tết gần đây, tôi thường ghé chơi với bộ đội, ở lại tới giao thừa, ngồi uống chung trà, ăn miếng bánh tét cho vui” - ông Phong chia sẻ.

Trung úy Võ Khánh Huy, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 (Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh) nhẩm tính, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này là Tết thứ 4, anh đón ở tổ, chốt. Đặc biệt hơn, anh ra trường ngay thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện, nhận công tác vẫn vòng vòng tổ, chốt biên giới, nên anh quen rồi.

Anh bày tỏ: “Tâm lý chung, ai cũng muốn được ăn Tết ở nhà. Nhưng đã trở thành người lính biên phòng, đồng nghĩa với việc chúng tôi xác định nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới đặt lên hàng đầu, thực hiện thật tốt chức trách được giao. Xa gia đình, bù lại chúng tôi gần anh em đồng chí, đồng đội, cảm thấy an ủi phần nào, vơi bớt nỗi nhớ nhà. Tết trong hoàn cảnh đặc biệt như thế, càng tạo ấn tượng sâu sắc cho mỗi người lính”.

Cái Tết đầu tiên ở giữa đồng, các khâu chuẩn bị còn lụp chụp lắm, vì đã có tiền lệ, kinh nghiệm gì đâu! Từ cái Tết thứ hai trở đi, mọi thứ dần vào quy củ, chu đáo hơn hẳn. Cây mai nhỏ xíu mua về chưng bàn thờ năm ngoái, được trồng xuống đất. Tròn 1 năm, cây lớn hơn, cứng cáp hơn, CBCS đem trở vào chậu, trang trí lần nữa cho bàn thờ. “Để bộ đội vẫn có Tết, Ban Chỉ huy đồn gửi đồ trang trí, chế độ tiêu chuẩn cho từng tổ, chốt, đảm bảo trang trọng, đúng quy cách, ấm cúng.

Bên cạnh đó, chúng tôi quán triệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí, như: Trực sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc địa bàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, không để đối tượng xấu lợi dụng. Trước và trong Tết, chỉ huy thường xuyên ghé thăm, động viên tinh thần anh em, giúp tất cả yên tâm công tác” - trung tá Cao Ngọc Khuê (Chính trị viên Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn) cho biết.

Trước khi nhập ngũ, chiến sĩ Lê Thái Trung (quê ở TP. Châu Đốc) đón Tết bên gia đình, bạn bè, chưa thể hình dung mình sẽ đón Tết cùng đơn vị ở giữa đồng thế nào. Gần cuối năm, Trung được phân công nhiệm vụ ra mương Sáu Nhỏ. Tết đầu tiên - cũng có thể là Tết duy nhất - Trung cảm nhận sâu sắc nhiệm vụ thiêng liêng của người lính biên phòng, trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, ở một nơi xa lạ. “Lần đầu đón Tết xa nhà, tôi cảm thấy khá thú vị, háo hức chờ đón những gì sắp diễn ra” - Trung tâm sự.

Đáp lại sự háo hức ấy của Trung và nhiều CBCS khác là cảnh tất bật kho nồi thịt, tự làm dưa chua. Chiến sĩ nào khéo tay, nấu ngon thì ăn ngon một chút, nấu chưa ngon thì cũng ăn để cảm nhận trải nghiệm đáng nhớ. Rồi lại chộn rộn đón các đoàn công tác cấp trên, chính quyền địa phương, đoàn thể… ghé thăm, tặng quà. Đúng là vui như Tết!

Khi mọi khâu chuẩn bị đã xong, CBCS lại chờ màn đêm buông xuống. Ánh sáng ban ngày nhường chỗ cho bóng tối phủ kín đồng quê. Mương Sáu Nhỏ chìm sâu vào những hàng cây, khoảnh lúa, không còn phân biệt rõ. Khi “giờ G” sắp điểm, mỗi người một việc: Pha trà, đốt nhang cúng bàn thờ Tổ quốc, dọn bánh trái ra ăn, nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết…

Vợ chồng ông Phong bước qua với gương mặt thật tươi, bộ quần áo thật tươm tất, coi như “xông đất” tổ, chốt đầu năm. Vị ấm của trà, vị thơm của bánh quện vào câu chuyện đời, chuyện nghề của họ, quấn quýt tâm tình khó tả lắm. Ông Phong vỗ vai CBCS, hệch hạc: “Tôi mong mùa lúa năm nay trúng mùa được giá. Mong hết thảy chú bộ đội thiệt mạnh khỏe, công tác suôn sẻ nha!”.

Có thể sau này, cảnh đón Tết ở giữa đồng chỉ còn dành cho những người nông dân như ông Phong, khi CBCS trở về đơn vị công tác, không còn bám trụ tổ, chốt nữa. Cũng có thể, nhiệm vụ của những người lính vẫn gắn bó lâu dài, trường kỳ như cũ, sẽ còn nhiều cái Tết tương tự diễn ra. Dù thế nào đi nữa, Tết ở giữa đồng vẫn mang nặng tình yêu biên cương, của từng người dân, từng CBCS, đâu dễ nhạt phai.

GIA KHÁNH