Tết thành thị, Tết nông thôn

18/02/2024 - 12:39

 - Sau bao năm xa quê vì cuộc sống mưu sinh, “cơm áo gạo tiền” nơi phố thị, năm nay tôi được về quê ăn Tết cùng gia đình. Theo thời gian, phong tục ăn Tết của người dân Việt Nam có nhiều thay đổi. Đặc biệt là sự khác biệt giữa Tết thành thị và Tết nông thôn.

Tết nông thôn

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, con người phải đối diện với mọi thứ bộn bề của cuộc sống và công việc, thậm chí vì khoảng cách thời gian và không gian địa lý nên nhiều người cả năm trời mới được về thăm quê một lần.

Những người con xa quê thường chọn những ngày đầu năm mới là dịp để sum vầy. Họ trở về trong sự chào đón, mong đợi của người thân, bạn bè, hàng xóm. Những người xa xứ thường có một tâm trạng bồi hồi khi được trở về quê hương trong ngày Tết Nguyên đán.

Tết ở quê được người dân chuẩn bị trước, từ khoảng giữa tháng Chạp. Mọi người lo dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, chùi bóng bộ lư trên bàn thờ, chuẩn bị một ít bánh kẹo, trái cây để ngày 23 đưa ông Táo về trời. Để đón một cái Tết vui vẻ và tràn đầy ý nghĩa, việc đầu tiên được quan tâm nhất là mâm ngũ quả, với 5 loại quả ý nghĩa mang lại may mắn, bình an và tài lộc cho gia đình.

Tiếp đến là chuẩn bị kho thịt, gói bánh tét. Bánh gói xong được xếp ngay ngắn vào một chiếc nồi thật to, đổ đầy nước và bắc lên bếp củi đun. Trong thời gian nấu bánh, cũng là lúc mọi người nghỉ ngơi, quây quần và nói chuyện vui vẻ, ôn lại nhiều kỷ niệm trong năm đã qua.

Thời khắc đón giao thừa ngày 30 Tết vô cùng thiêng liêng. Mọi thứ đã được chuẩn bị trang hoàng, trong nhà, ngoài ngõ đều sạch sẽ, gọn gàng, đây là lúc mọi người, mọi nhà đều cầu mong được hưởng một năm mới bình an. Người dân thôn quê đón giao thừa qua nghi lễ rất riêng biệt, có nhà thì chuẩn bị một mâm cơm để cúng, nhà thì chỉ nấu xôi chè, bánh tét, bánh bao… để thắp hương với những bài khấn nguyện đầu năm. Ai cũng có tâm trạng phấn chấn, mong chờ đến giây phút thiêng liêng chào năm mới. Nhiều người thực hiện tục lệ “xông nhà đầu năm” ngay sau hồi chuông điểm. Không có tiếng pháo nổ nhưng ai cũng cảm nhận được niềm vui và cùng nhau lắng nghe hơi thở đất trời mùa Xuân tràn về.

Tết thành thị  

Trong những ngày cận Tết, ở phố chợ bày biện đủ thứ, từ thức ăn đến vật phẩm trang trí, mọi người tấp nập, hối hả, chạy tới, chạy lui mua sắm. Không khí mua bán tất bật, nhộn nhịp, khiến cho bất cứ ai cũng thấy nôn nao, chờ mong khoảnh khắc bước sang năm mới vui vẻ, sum vầy.

Cuộc sống người thành thị luôn bận rộn việc làm nơi công sở nên họ đón năm mới bằng tất cả các dịch vụ sẵn có. Sau giờ làm việc, mọi người có thể vào siêu thị mua sắm đủ thứ cần thiết cho 3 ngày Tết. Khác với ở quê, họ không cần phải bận rộn với nồi bánh tét, làm mứt, bó chả đòn... Ngược lại, đây là thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, họ được gặp gỡ người thân, bạn bè, tranh thủ đi chúc Tết anh em, cô, dì, chú, bác vào những ngày Tết cận kề.

Đối với những người làm công việc nhẹ nhàng, có thời gian, họ tranh thủ cùng bạn bè đến những điểm vui chơi, giải trí, nơi có nhiều hoa… để chụp hình, lưu lại những khoảnh khắc Xuân đáng nhớ. Tan sở, nhiều người trở về nhà với những bó hoa trên tay, được gói rất cẩn thận. Có người đón Tết bằng những chuyến du lịch, đi đến những nơi mà họ yêu thích, cùng nhau dạo chơi và ngắm phong cảnh hữu tình, cả nhà cùng lưu lại những khoảnh khắc du lịch xuyên Tết tuyệt đẹp.

Ngày 30 Tết, người thành thị làm mâm cơm cúng gia tiên, đây mới là lúc mà mọi người cảm thấy bận rộn nhất. Chiều 30 Tết, thành phố như yên bình hơn, không còn cảnh dòng người chen chúc, ngược xuôi, cũng không còn tình trạng tắc đường, chen lấn vì một phần người dân đã trở về quê ăn Tết.

Đêm giao thừa, người thành thị đổ ra đường để chiêm ngưỡng màn pháo hoa rực rỡ chào năm mới. Sau đó, nhiều người đi chùa cầu an, những bạn trẻ thì hẹn hò, tụ tập cùng nhau vui Xuân, coi đây là thời điểm lý tưởng nhất của năm mới. Sáng mùng một, gần như thành phố tĩnh lặng bởi người người, nhà nhà thức dậy muộn hơn, hiếm bắt gặp ai đó trên đường vào sáng sớm, đây là dịp để họ được nghỉ ngơi sau những ngày làm việc.

Có thể do cuộc sống mưu sinh, người ta sẽ dấn thân nơi phố chợ để tìm kiếm cơ hội cho mình. Nhưng sau tất cả, họ vẫn muốn về với Tết quê để sống trong không khí đoàn viên, ấm cúng. Người thành thị và người nông thôn có cách đón Tết tuy khác nhau khá rõ, nhưng điểm chung nhất của Tết phố và Tết quê là đều hướng về phần lễ cúng gia tiên, sau đó là sum họp gia đình.

Ngày Tết thiêng liêng thể hiện tình cảm cộng đồng dân tộc sâu sắc, kết nối giữa các thế hệ, giữa quá khứ và hiện tại, là dịp để mọi người trở về thăm quê hương cội nguồn, tổ tiên ông bà.

 HỒNG THƯ