Tết và hoài niệm!

23/01/2023 - 08:09

 - Tết Nguyên đán là lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm. Đó là thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới, thể hiện sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình. Đó là giá trị tâm linh, cũng là giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Những ngày giáp Tết, khi nghe đâu đó cất lên mấy câu hát trong bài “Ngày Tết quê em”, chắc hẳn trong lòng ai cũng không khỏi bồi hồi xúc cảm:

“Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi

                            Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam

                            Dù đi đâu ai cũng nhớ

                           Về chung vui bên gia đình”

Ai cũng có những kỷ niệm đáng nhớ trong dịp Tết, bất giác trở thành những hoài niệm lưu dấu khó phai trong tiềm thức. Để mỗi khi cơn gió heo may chuyển dần, lòng người chợt bâng khuâng bao nỗi niềm khó tả. Cứ như đụng chạm một thứ gì đó rất thiêng liêng, sâu thẳm trong tâm hồn. Nhưng ai cũng cảm nhận được rằng, Tết bây giờ thật sự không còn nhiều ý nghĩa đậm đà và thú vị như ngày xưa!

Ngày xưa, Tết ở nông thôn với thành thị không khác nhau bao nhiêu. Thành thị thì điều kiện vật chất cao hơn nông thôn, người ta sắm Tết phong phú, đủ đầy, nên ngày Tết nhộn nhịp hơn…

Dư vị Tết truyền thống vẫn luôn chất chứa trong trái tim mỗi con người

Ở nông thôn thì điều kiện kinh tế thấp hơn (cũng do không có điều kiện mua sắm) nên đón Tết chủ yếu với “cây nhà, lá vườn”: Tự làm bánh, gói bánh tét, làm mứt dừa, kẹo gừng… và tát đìa ăn Tết. Ngày xưa, con nít ở quê trông Tết để có quần áo đẹp, giày dép mới, có bánh mứt ăn… còn bây giờ mua lúc nào cũng được. 

Trong “Tết Nguyên đán” thì “Tết” chính là “tiết”, còn “Nguyên đán” có gốc chữ Hán: “Nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai, “đán” là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là “ Tiết Nguyên đán”. Chính vì Tết Nguyên đán là một dịp quan trọng cho sự khởi đầu, biết bao niềm tin yêu, sự may mắn cùng với những mong ước, cầu nguyện chân thành. Thế nên, Tết Nguyên đán mang rất nhiều ý nghĩa nhân văn, sâu sắc hơn so với những ngày lễ khác trong năm.

Cố nhà văn Trịnh Bửu Hoài  từng chia sẻ về tục lệ Tết xưa. Theo ông, giữa thành thị và nông thôn không khác biệt nhau bao nhiêu. Hầu như, ai cũng giữ lễ nghi trong ngày mùng 1 Tết - ngày khởi đầu năm mới: Con cháu cúng kiếng, thăm viếng tổ tiên, mừng tuổi ông bà… xong xuôi rồi mới tự do đi chơi, xem phim, xem cải lương… Nhưng truyền thống ấy đang dần mai một (nhất là ở đô thị), khi mà nhịp sống theo thời đại công nghiệp, luôn khẩn trương trong mọi công việc như những cái click, cú ấn phím trên mạng xã hội… rất hiện đại, sành điệu. 

Đơn cử như trước đây, Tết Nguyên đán khi thu hoạch vụ lúa xong, mọi người rảnh rỗi đón Tết, nhà nào trúng mùa thì ăn Tết rình rang, nghèo thì hân hoan đón Tết kiểu nhà nghèo, nhưng không kém phần ấm cúng. Nhà nhà chúc Tết nhau, xóm làng vui nô nức, tiếng pháo râm ran vui xôm tụ… sớm nhất cũng ngày mùng 7 Tết mới ra đồng (mùng 7 Tết mới cúng hạ nêu). Việc mua bán trước đây cũng nhàn nhã hơn, có khi mùng 7 mới khai trương; còn bây giờ thì không kiêng ngày nào, mùng 1 Tết vẫn buôn bán bình thường.

Người trẻ bây giờ, phần lớn họ theo xu hướng mới, ít để ý đến phong tục Tết cổ truyền. Nhất là, nhiều gia đình không giữ được nếp truyền thống thì phong tục Tết càng dễ mai một. Đêm giao thừa thậm chí còn quên cúng tổ tiên, đón giao thừa. Sáng mùng 1 Tết thì hầu hết những người trẻ đều lo chưng diện, chải chuốt để đi chơi Tết, có ít người nghĩ đến việc cúng tổ tiên, viếng ông bà…

Theo cố nhà văn Trịnh Bửu Hoài, con người phải biết đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đây cũng là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ xưa tới nay. Ngày mùng 1 Tết là tiêu biểu cho cả năm, nên dành thời gian để nhớ về nguồn cội và làm gương cho con cháu “biết trước, biết sau”, sống “có nghĩa, có tình”. Dẫu rằng xã hội càng phát triển, nhưng những gì là tinh hoa, tốt đẹp, là truyền thống cần được gìn giữ, trao truyền.

HỮU HUYNH