Được đưa về địa phương thử nghiệm từ năm 2018, mô hình nuôi ốc nhồi trên diện tích ruộng trũng, canh tác khó khăn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập khá và thu hút hàng chục hộ tham gia.
Trong đó, gia đình anh Lương Quốc Việt, xóm Lục Thành là một trong những hộ triển khai mô hình nuôi ốc nhồi đạt hiệu quả kinh tế cao trên hơn 4 sào diện tích mặt nước chuyển đổi từ ruộng canh tác không hiệu quả.
Cán bộ khuyến nông xã Thượng Nung (huyện Võ Nhai,tỉnh Thái Nguyên) hướng dẫn bà con chăm sóc ốc nhồi nuôi trên diện tích ruộng trũng.
Năm 2020, anh Việt đầu tư trên 50 triệu đồng cải tạo diện tích nuôi và mua con ốc nhồi giống. Ban đầu, anh nuôi ốc nhồi sinh sản để lấy nguồn trứng gây giống, phần còn dư, anh Việt bán ra thị trường.
Sau hơn 4 tháng, anh Việt đã thu hồi vốn đầu tư và đến hết năm 2020, gia đình anh đã thu về gần 150 triệu đồng tiền lãi từ bán trứng ốc nhồi giống và gần 2 tấn ốc nhồi thương phẩm.
Trao đổi với chúng tôi, anh Việt cho biết: Tôi đang tiếp tục mở rộng diện tích để chủ động nguồn thức ăn cho ốc nhồi đồng thời gia tăng số lượng ốc nuôi thương phẩm. Dự kiến, năm nay, tôi có thể thu về trên 3 tấn ốc nhồi thương phẩm và trên 1 tạ trứng ốc với lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng.
Hiện nay, toàn xã Thượng Nung có trên 40 hộ nuôi ốc nhồi trên diện tích ruộng trũng, canh tác khó khăn. Trung bình mỗi hộ đầu tư cải tạo khoảng 3-5 sào ruộng để nuôi ốc theo quy trình khép kín từ sản xuất giống đến nuôi thương phẩm xuất bán cho thương lái.
Các hộ nuôi ốc cải tạo ruộng bằng cách đắp bờ cao giữ nước tạo thành các ao nuôi với độ sâu dưới 1m để nuôi ốc sinh sản, ốc con mới nở và ốc thương phẩm.
Các ao nuôi đều được bố trí đường cấp, thoát nước và được thay nước hàng tuần để bảo đảm môi trường tốt nhất cho ốc phát triển.
Với thời gian sinh trưởng chỉ từ 3-4 tháng với ốc nhồi thương phẩm, nông dân có thể nuôi 2-3 lứa trong năm.
Đặc biệt, với mức đầu tư thấp, chỉ khoảng 50 triệu đồng cho khoảng 3 sào diện tích, người nuôi có thể thu hồi vốn trong vòng 3-5 tháng.
Tiêu biểu như gia đình chị Âu Thị Hội, xóm Lục Thành mới đầu tư 45 triệu đồng cải tạo hơn 3 sào ruộng và mua 1 tạ ốc bố mẹ về nuôi sinh sản từ tháng 4-2021 nhưng đến nay đã có thu nhập trên 1 triệu mỗi ngày từ bán trứng.
Chị Hội chia sẻ: Trước mắt, tôi tập trung nuôi ốc nhồi giống bán trứng để thu hồi vốn, sau đó mới chuyển sang nuôi thương phẩm song song với nuôi sinh sản. Dự kiến, cuối năm nay, gia đình tôi sẽ có thể xuất bán trên 1 tấn ốc nhồi thương phẩm ra thị trường.
Theo bà con nông dân xã Thượng Nung, ốc nhồi có sức đề kháng tốt, nguồn thức ăn cũng rất đơn giản, chỉ là bèo tấm, rau xanh, lá ráy, khoai lang, các loại củ quả...
Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng chỉ phải mua giống ốc nhồi một lần nên chi phí đầu tư khá thấp. Khi nuôi ốc, các hộ chỉ cần lưu ý thay nước định kỳ đồng thời thả bèo lục bình khoảng 30% diện tích để làm mát và lọc nước vào mùa hè.
Về mùa đông, cần rút bớt nước và thả bèo để giữ ấm cho môi trường sinh sống của ốc nhồi. Riêng với ao nuôi ốc sinh sản, cần làm lưới che nắng liên tục để tránh tổn hại đến ốc mẹ khi bò lên bờ đẻ trứng.
Với đầu ra thuận lợi, cộng với giá thị trường ổn định từ 70.000-100.000 đồng/kg ốc nhồi thương phẩm và 500.000-900.000 đồng/kg trứng giống như hiện nay, mỗi hộ nuôi ốc nhồi theo quy trình khép kín ở xã Thượng Nung có thể thu về từ 100-200 triệu đồng/năm từ khoảng 3 sào diện tích.
Cá biệt, có một số gia đình thu về 200-300 triệu đồng mỗi năm do nuôi ốc nhồi trên diện tích lớn hơn như các hộ: Lương Quốc Hùng, Lương Văn Biền (xóm Trung Thành); Ma Duy Khánh, Nguyễn Duy Sáng (xóm Tân Thành)…
Chia sẻ về mô hình kinh tế mới này, bà Lương Thị Mỹ Chải, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) nói: Sau khi những hộ nuôi ốc nhồi đầu tiên thành công, xã đã nghiên cứu tính khả thi và hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi ốc nhồi cho bà con nông dân nhân rộng mô hình.
"Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với bà con để nâng cao hiệu quả các mô hình hiện có, đồng thời tiếp tục mở rộng các mô hình mới, giúp bà con nông dân tận dụng diện tích đất nông nghiệp canh tác khó khăn chuyển sang nuôi ốc nhồi để nâng cao thu nhập...", bà Lương Thị Mỹ Chải.
Theo Dân Việt