Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (tọa lạc tại số 28 Võ Văn Tần, quận 3, TP. Hồ Chí Minh), được thành lập ngày 4/9/1975, là thành viên hệ thống Bảo tàng Việt Nam, các Bảo tàng Vì hòa bình thế giới (INMP) và Hội đồng Quốc tế các bảo tàng (ICOM). Bảo tàng chuyên nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày về chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Bảo tàng được chia làm 3 khu vực để tham quan, giúp chúng tôi có cái nhìn chi tiết về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Tầng trệt trưng bày các hiện vật, tranh ảnh chuyên đề “Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ” phản ánh lịch sử giai đoạn 1954 - 1975. Các loại tư liệu, hiện vật tái hiện những cuộc mít-tinh, biểu tình, các hội thảo, hội nghị của Nhân dân trên toàn thế giới để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và ủng hộ Nhân dân Việt Nam bảo vệ chủ quyền dân tộc. Bên ngoài khuôn viên rộng lớn, trưng bày những chiếc máy bay chiến đấu, máy bay tiếp tế hậu cần, xe tăng, các pháo cao xạ, đã được sử dụng cho cuộc chiến. Mô phỏng lại nhà tù nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng và chiếc máy chém dùng để tử hình những người yêu nước.
Chúng tôi bị thu hút bởi chiếc máy bay CH-47 (Chinook) - loại máy bay trực thăng vận tải hạng nặng đa năng có 2 động cơ, 2 cánh quạt do Hãng Boeing sản xuất. Công năng của máy bay là chuyển quân, tải thương, chuyển vũ khí hạng nặng và hỗ trợ hậu cần cho chiến trường được quân đội Mỹ sử dụng trong thời gian tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Di chuyển đến căn phòng mô phỏng nơi giam cầm những chiến sĩ cách mạng do chính quyền Sài Gòn xây dựng, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả, nỗi đau thể xác, sự tàn ác mà quân xâm lược đã hành hạ và sự kiên cường chịu đựng của các chiến sĩ Việt Nam ta. Căn phòng chỉ một vài mét vuông, thiếu ánh sáng, ẩm thấp, với 2 chân bị cùm không được trở mình chỉ được ngồi hoặc nằm và một vài mô phỏng hình thức tấn dã man mà các chiến sĩ ta từng phải chịu cực hình.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong, mà còn sử dụng cả chất độc hóa học nhằm triệt nguồn sinh sống của Nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của lực lượng vũ trang cách mạng. Di chứng để lại cho những người trực tiếp tham gia cuộc chiến là hệ lụy nặng nề do chất diệt cỏ dioxin gây ra với hình ảnh những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên nhưng cơ thể phát triển không bình thường như bao đứa trẻ khác. Đó là minh chứng tội ác của quân xâm lược.
Rất nhiều hình ảnh ghi lại những cảnh tàn sát của quân xâm lược. Chúng xem mạng người như cỏ rác, giết hại một cách dã man, không thương xót. Tấm ảnh ghi lại các thi thể chồng lên nhau trên con đường ở Thôn Mỹ Lai sau vụ thảm sát ngày 16/3/1968. Hơn 500 dân thường bị chúng giết hại, đốt phá nhà cửa... “Nhiều người dân đã bị tập hợp thành những nhóm nhỏ, trong khi nhiều người bị đẩy xuống mương trước khi bị lính Mỹ bắn chết, có người bị giết hại ngay tại nhà hoặc trúng đạn lạc. Một số phụ nữ, trẻ em và bé gái thậm chí bị cưỡng hiếp” - phóng viên Seymour Hersh viết.
Lầu 2 trưng bày về: Những sự thật lịch sử, hồi niệm, Việt Nam - Chiến tranh và hòa bình, chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh “Em bé Napalm” nổi tiếng và được xem là ấn tượng nhất khi du khách đến bảo tàng. Hình ảnh được chụp vào ngày 8/6/1972, quân đội Mỹ ném bom na-palm xuống huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) hủy diệt nhà cửa, ruộng vườn và dân thường. Khi đó, bé gái Phan Thị Kim Phúc (9 tuổi) đã bị phỏng nặng, trên người không mảnh vải che thân, tinh thần hoảng loạn, cố chạy để tránh bom đạn.
Em Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, sinh viên (Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh, lớp K9B Xây dựng Đảng) cho biết: “Chúng em vinh dự được kết nạp hội sinh viên tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Dịp này, chúng em được tham quan bảo tàng để hiểu rõ hơn về lịch sử của dân tộc đã trải qua các thời kỳ chiến tranh gian khổ. Qua chuyến tham quan, giúp chúng em thấy được sự hy sinh to lớn của các anh hùng, chiến sĩ, Nhân dân ta đã trải qua trong cuộc chiến dành độc lập dân tộc. Hiểu thêm về sự tàn khốc của chiến tranh và giá trị của hòa bình. Chúng em luôn biết ơn thế hệ đi trước đã hy sinh và luôn ý thức gìn giữ hòa bình, cố gắng học tập tốt để góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển, xã hội ngày càng văn minh”.
Gác lại quá khứ đau thương hướng về tương lai, cùng xây dựng và phát triển đất nước trở nên hùng mạnh nhưng không vì đó mà quên đi quá khứ đau thương. Tất cả vẫn còn đó, vật chứng của những năm kháng chiến hào hùng, hình ảnh ghi lại sự tàn phá của bom đạn, sự tàn ác của giặc ngoại xâm và những anh hùng đã anh dũng hy sinh, người chiến sĩ cách mạng, Nhân dân cùng đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, nhắc nhở thế hệ mai sau phải luôn khắc ghi và đời đời nhớ ơn những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và mỗi người phải luôn trân trọng giá trị của hòa bình.
ĐĂNG LÂN