Ảnh minh họa.
Bác sĩ Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trung bình mỗi tháng gần đây, bệnh viện tiếp nhận thăm khám, điều trị khoảng 4-5 trẻ bị điếc đột ngột; trong khi đó trung bình mỗi tháng trước chỉ 1-2 trẻ hoặc không có ca nào. Đa phần bệnh nhi bị điếc đột ngột một bên tai, hiếm khi điếc cả hai tai.
Theo bác sĩ Nguyễn Tường Đức, Phó Trưởng Khoa Nhi-tổng hợp, Bệnh viện Tai mũi họng Thành phố Hồ Chí Minh, điếc đột ngột ở trẻ em là điếc thần kinh giác quan, xảy ra khi thính lực giảm hơn 30 dB (decibel) trên 3 tần số liên tục trong vòng 3 ngày.
Về nguyên nhân gây điếc đột ngột, ở người lớn đã có nghiên cứu, nhưng với trẻ em gần như không rõ nguyên nhân, chủ yếu do nhiễm virus (sởi, quai bị, zona thần kinh…).
Bác sĩ Quang Minh cho biết thêm, trước áp lực trong học tập, trẻ thường xuyên thức khuya học và làm bài, căng thẳng thi cử có thể là nguyên nhân làm mạch máu ở tai bị tắc, hoặc co thắt, dẫn đến điếc đột ngột ở trẻ tăng.
Bên cạnh đó, với thời tiết mùa hè nóng bức, phần lớn chúng ta (trong đó có trẻ em) đều thích tắm nước lạnh. Đây là một nguyên nhân cũng có thể gây co mạch máu gây điếc đột ngột ở trẻ và cả người lớn.
Về nguyên nhân chung gây điếc đột ngột, thường gặp nhất là do co thắt mạch máu, khiến máu nuôi lên các hệ thống mạch máu vùng ốc tai kém đi, từ đó dẫn đến nghe kém.
Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm siêu vi hoặc viêm nhiễm vùng tai, các chấn thương hay khối u cũng gây ra tình trạng điếc đột ngột.
Theo bác sĩ Minh, điếc đột ngột ở trẻ em có điểm khác biệt so với người lớn. Người lớn sẽ tự nhận biết được bản thân bị điếc đột ngột và thường xảy ra sau tắm đêm (nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh) hoặc sáng sớm sau ngủ dậy. Còn với trẻ em thì nhận biết khó hơn, đặc biệt là trẻ nhỏ chưa nhận thức được bản thân bị nghe kém.
Ở trẻ em lớn (14-15 tuổi) sẽ phát hiện được bản thân nghe kém một bên như người lớn. Nhưng với các trẻ nhỏ hơn sẽ không nhận biết và phát hiện được bản thân bị điếc đột ngột, mà chỉ qua các biểu hiện như thành tích học tập kém đi và đôi khi không tập trung.
Đối với trẻ nhỏ hơn, chưa mô tả được tình trạng điếc, bé thường cảm thấy khó chịu một bên tai. Biểu hiện là bé hay dùng tay dụi tai ở bên nghe kém hoặc hướng tai bên nghe được về phía có người đang nói chuyện.
Tai là cấu trúc tương đối đặc biệt: nhỏ, hẹp, khó thấy. Do đó, khi phát hiện trẻ nghe kém, tốt nhất phụ huynh đưa trẻ đến các cơ sở tai mũi họng chuyên khoa để khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Bác sĩ Minh nhấn mạnh “tiêu chuẩn vàng” để điều trị bệnh nhân bị điếc đột ngột là thời gian phát hiện sớm và được điều trị đúng. Nếu bệnh nhân phát hiện bị điếc sớm và được dùng thuốc điều trị thích hợp thì tỷ lệ hồi phục cao, với 70-85% trong khoảng 2 tuần.
Tuy nhiên, tỷ lệ thành công này giảm dần theo thời gian phát hiện. Nếu phát hiện sau 2 tuần thì tỷ lệ giảm còn 50-60% và tỷ lệ này càng thấp hơn nếu thời gian phát hiện càng kéo dài.
Tùy theo nhóm nguyên nhân, các bác sĩ sẽ đưa ra các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh nhân có bị điếc hay không như: đo thính lực, đo nhĩ lượng, đo phản xạ cơ bàn đạp…
Bệnh nhân sau khi được chẩn đoán điếc đột ngột sẽ làm một số chẩn đoán hình ảnh như: Nội soi tai mũi họng, chụp CT-Scan và MRI… để xem có khối u có góc cầu tiểu não và gây điếc đột ngột hay không.
Khi đã loại trừ tất cả nguyên nhân thực thể có thể gây ra điếc đột ngột, bác sĩ sẽ tập trung vào nhóm nguyên nhân xảy ra nhiều nhất đó là co thắt mạch máu đột ngột, thiếu máu nuôi do nhiệt độ cơ thể chuyển từ nóng sang lạnh hoặc mắc các bệnh lý nội khoa như cao huyết áp, xơ vữa mạch máu…
"Để phòng tránh điếc đột ngột, cần tránh căng thẳng thường xuyên; hạn chế tắm nước lạnh, nên tắm nước ấm; kiểm soát tốt bệnh nền đối với người có các bệnh lý nền (cao huyết áp, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường…)", bác sĩ Quang Minh khuyến cáo.
Theo Nhân Dân