Tháng Giêng nhưng… không ăn chơi

02/02/2023 - 06:48

 - Dân gian có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Quan niệm ấy có còn phù hợp trong xã hội ngày nay không, khi mà giờ đây, nhịp sống hối hả hơn, nhiều người cứ canh cánh nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”?

Nông dân Nguyễn Thành Việt (xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Các ngành chuyên môn dự báo, do tình hình thời tiết hiện nay xen kẽ giữa nắng nóng, sương mù kết hợp với mưa, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển mạnh, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Vì vậy, nông dân chúng tôi thường xuyên thăm đồng trước, trong và sau Tết Nguyên đán, quan sát lá trên cây lúa nhằm phát hiện sớm mầm bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời”.

Vụ đông xuân 2022-2023, ông Việt trồng 2ha lúa OM18. Đây là giống lúa có khả năng thích nghi, chống chịu hạn mặn tốt. Nhờ đặc tính kháng rầy nâu và kháng bệnh đạo ôn tốt, năng suất cao, nhất là chất lượng hạt gạo trắng trong, cơm thơm nhẹ, đạt tiêu chuẩn tiêu dùng nội địa và xuất khẩu nên diện tích lúa của ông Việt được thương lái đặt cọc thu mua ngay từ đầu vụ. Bản thân ông cũng quan tâm chăm sóc để đạt hiệu quả canh tác.

Anh Sĩ tất bật với việc làm cối đá từ mùng 3 Tết

Với người Việt, Tết là điều kiện thuận lợi để “ăn chơi” bởi thời gian nghỉ dài ngày, mỗi người đều có tâm lý xả hơi sau một năm lao động vất vả. Đây cũng là thời gian người người, nhà nhà sum vầy, vui chơi, du Xuân, đi lễ chùa, gặp gỡ, thăm viếng nhau, kết nối lại tình cảm. Nhiều người còn mong muốn có thêm thời gian rảnh rỗi để bù đắp những tháng ngày bận rộn công việc, đặc biệt với những người xa nhà… Thế nhưng, quan niệm ấy có còn phù hợp trong xã hội ngày nay? Khi mà giờ đây, nhiều người cho rằng "tháng Giêng không còn là tháng ăn chơi" nữa...

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các doanh nghiệp, cơ quan hành chính nhà nước, ngày đầu năm mới, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cho thấy, hầu hết người lao động đều trở lại làm việc nghiêm túc, đúng quy định.

Khởi nghiệp với nghề làm cối đá, anh Nguyễn Ngọc Sĩ (sinh năm 1983, ngụ ấp Tây Sơn, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) cho biết, từ lâu anh đã không còn quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Theo anh Sĩ, làm cối đá là nghề truyền thống ở thị trấn Núi Sập. Sản phẩm được giao cho vựa trong tỉnh với giá từ 150.000 - 160.000 đồng/cái. Anh Sĩ còn bỏ mối cối đá ở tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh…

“Hai năm qua, do dịch bệnh COVID-19 nên công việc hơi chựng lại, nhưng giờ đã ổn định. Công việc đang phát triển tốt, đơn đặt hàng ngày một nhiều hơn nên tôi tự nhủ phải cố gắng hết mình. Giáp Tết, đơn hàng còn rất nhiều, để kịp giao cho khách, tôi làm đến tận 30 Tết mới tạm nghỉ ngơi vui Xuân. Song, đến mùng 3 Tết, tôi đã bắt tay ngay vào làm cối đá như thường nhật vì có khách đặt hàng. Với tôi, chỉ cần có đơn hàng sẽ bắt tay vào làm ngay, không để trì trệ sang ngày khác” - anh Sĩ chia sẻ.

Giá bán cối đá trong dịp Tết năm nay vẫn được giữ nguyên như năm 2022. “Sản phẩm làm ra nhờ uy tín, chất lượng nên khách hàng tin tưởng quay lại ủng hộ, tôi không bao giờ tăng giá vào cao điểm. Dịp Tết Nguyên đán 2023, tôi còn ra mắt thị trường dòng sản phẩm cối đá mi-ni, phục vụ trưng bày. Với sản phẩm mi-ni, tùy vào nhu cầu khách đặt tôi mới làm, chứ không làm dư vì chủ lực vẫn là làm cối đá truyền thống. Với thu nhập trung bình gần 20 triệu đồng/tháng từ nghề làm cối đá, gia đình tôi có thể sống tốt” - anh Sĩ bày tỏ.

Không đi đâu chơi dịp Tết này là trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (sinh năm 1989, ngụ thị trấn Núi Sập). Theo chị Tiên, gia đình kinh doanh quán cà-phê nên từ tháng Chạp đến nay, lượng khách khá đông, chị phải thuê thêm nhân viên mới phục vụ xuể.

“Mấy ngày Tết, quán tôi mở cửa trước 6 giờ, đến tận 11 giờ đêm mới đóng cửa. Không ít quán trong nội ô thị trấn đóng cửa để ăn Tết nhưng mấy năm nay, tôi vẫn mở bán xuyên Tết để phục vụ khách. Mình chịu khó bán mấy ngày Tết để khách có điểm ăn uống, quây quần bên gia đình thì cực mấy cũng vui. Dù tiền thuê nhân viên phục vụ Tết có cao hơn so với ngày thường nhưng tôi vẫn giữ nguyên giá bán, không tăng giá dịp Tết” - chị Tiên chia sẻ.

Đa số các lễ hội tập trung vào mùa Xuân, đặc biệt là tháng Giêng. Có lẽ cũng vì thế, có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Câu nói này xuất phát từ một đất nước nông nghiệp khi xưa với hơn 90% là nông dân. Ngày nay, xã hội phát triển nhưng không ít người vẫn còn tâm lý này. Do vậy, có những trường hợp trì hoãn chưa quay trở lại làm việc để nghỉ ngơi, thăm thú bạn bè; hay chểnh mảng công việc, đi chúc Tết, đi chùa trong giờ làm việc những ngày đầu năm… Tâm lý ấy tạo thành “sức ỳ” đối với mỗi người, và hệ quả của nó là “sức ỳ” của cả xã hội và nền kinh tế.

Nhanh chóng bắt tay ngay vào công việc từ ngày đầu Xuân - đây là yêu cầu đang được đặt ra đối với các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân, không vì quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” xưa cũ mà mang tác phong đủng đỉnh vào cơ quan, nhà máy.

PHƯƠNG LAN