Không gian yên tĩnh hơn thường thấy nhất là khi ngồi quán cà-phê, trên tay mỗi người cầm tờ báo mới tinh vừa mới mua từ sạp báo, đủ thứ loại báo, như: Thanh niên, Tuổi trẻ, Công an, Thể thao... Thậm chí không cần phải mua, quán cũng có trang bị vài tờ báo để khách chuyền tay nhau đọc đến nỗi tờ báo bị nhăn nhúm, cũ mèm. Nhờ đó, người bán báo dạo, sạp báo kiếm sống bằng những tờ giấy chi chít chữ chứa đựng những thông tin mới nhất, hấp dẫn nhất, chính xác nhất đến tay đọc giả.
Ông Hưng Long (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Sạp báo của tôi hơn 30 năm, giờ mỗi ngày chỉ còn khoảng 30 tờ bày bán, chủ yếu còn 3 loại báo: Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao động và đôi khi lấy thêm tờ Bóng đá dành cho những khách hàng thân quen đã gắn bó với tờ báo giấy và sạp báo của tôi mấy chục năm qua.
Nhớ lại những năm về trước, thời kỳ truyền thông chỉ có vài kênh chính: Truyền hình, phát thanh, báo chí… Báo chí lại được người dân lựa chọn, báo chí đi sâu vào vấn đề cần truyền tải, giúp cho đọc giả nhìn nhận thấu đáo và báo chí tiện lợi, khi ở bất cứ nơi nào vẫn cầm tờ báo để đọc, thư giản và giết thời gian. Nhờ đó mà việc kinh doanh báo rất thuật lợi.
Sạp báo của tôi chiếm hết cả mặt tiền nhà, kệ báo chứa tất cả các loại thông tin về chính trị xã hội, thời trang, thể thao, cho đến những cuốn tạp chí, báo dành cho các em học sinh, như: Mực tím, khăn quàng đỏ… Thời ấy, báo không sợ “ế”, có bao nhiêu đều bán hết bấy nhiêu, mỗi ngày bán hàng trăm tờ mỗi loại. Từ đó, nguồn thu từ báo rất tốt, lợi nhuận đa số từ báo cao hơn so với các mặt hàng khác cùng kinh doanh.
Sáng sớm, đại lý phát báo đến chưa kịp sắp xếp tờ báo ngay ngắn là khách đến lấy, khách quen đi ngang đưa tay lấy tờ báo để tiền luôn trên quầy chẳng cần gọi hỏi mua, sạp báo rất nhộn nhịp, tất bật. Nhiều khách hàng cần thông tin cũ vẫn ghé tìm mua những tờ báo đã qua vài ngày còn sót lại, may mắn lắm mới còn. Hiện nay, nó không là sạp báo nữa, giờ chỉ bán cho vui, giữ lại nghề đã gắn bó, thu nhập từ báo không đáng là bao, nhiều khi bán không hết còn lại 1 - 2 tờ coi như lỗ vốn”.
“Tôi tính nghỉ bán mấy lần nhưng những khách hàng lớn tuổi nói nghỉ rồi họ mua ở đâu, mua ở đây mấy chục năm quen rồi, có khách hàng mỗi ngày đạp xe ra sạp báo đến nay không còn đủ sức khỏe phải nhờ con cháu ra lấy về đọc. Bởi vậy, không đành nghỉ mà cố gắng duy trì đến hôm nay”.
Tương tự, kinh doanh sạp báo cũng có thâm niên trên địa bàn, ông Trần Kế Kiên (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) cho biết: “Sau gần 40 năm kinh doanh báo, chưa lúc nào mà báo giấy bán khó khăn như hiện nay, báo công nghệ “lấn áp” báo truyền thống một cách nhanh chóng. Cơ sở kinh doanh đồ dùng học sinh và báo giấy, nhưng báo lại là mặt hàng bán chạy hơn hẳn, mỗi ngày bán 300 - 400 tờ báo là chuyện bình thường, khách ghé trễ nhiều khi không còn. Hiện nay, mỗi ngày bán được 30 tờ, chủ lực vẫn là 2 tờ báo Thanh niên và Tuổi trẻ, những loại báo khác không bán được nên không dám lấy về.
Thời gian trước, người dân không có nhiều lựa chọn loại hình giải trí, tập trung vào ti-vi, radio, báo. Báo chí thì đa dạng hơn, tất cả tin tức về chính trị, xã hội, văn hóa, thể thao, điện ảnh, báo dành cho tuổi học trò, cho đến các tạp chí thời trang, phụ nữ… mỗi loại đều có số lượng lớn độc giả. Nhiều loại báo 1 tuần hay 1 tháng mới xuất bản 1 kỳ, nhưng chưa đến ngày là khách đã ghé hỏi thăm vì sợ hết, bỏ lỡ thông tin đang theo dõi. Tin tức thu hút lượng lớn khách hàng quan tâm là thể thao quốc tế, đặc biệt là bóng đá Word cup, Euro… giải đấu có đội tuyển nước nhà thi đấu, báo bóng đá, thể thao tăng đột biến, mỗi ngày bán hàng trăm tờ. Nhờ đó mà số lượng báo tiêu thụ rất chạy, nguồn thu nhập từ báo tăng đáng kể.
Từ khi công nghệ xuất hiện, báo vẫn giảm nhưng không đáng kể. Dần dần công nghệ phát triển mạnh, bán báo bắt đầu gặp khó khăn, người đến mua báo thưa dần, họ bắt đầu chuyển dần sang báo công nghệ, bỏ tờ báo giấy.
Không có cách nào để giữ chân khách được, khi báo công nghệ quá tiện lợi. Nó chứa cả thế giới thông tin, lại chẳng phải mắc công đi, muốn biết cái gì, cần thông tin gì thì vào đó là có mọi thứ, kể cả khi xem trực tiếp thể thao, có thể tranh luận với hàng trăm người đang cùng xem...
Gần đây nhất là trước đại dịch COVID-19, báo vẫn còn bán tương đối, sau dịch đến nay số người đến mua giảm đi nhiều hơn.Giờ thì bán báo giấy tạo niềm vui, có việc làm và không muốn mất đi công việc đã gắn bó mấy chục năm qua, chứ thu nhập từ báo bây giờ chẳng đáng là bao.
“Khách mua báo đa số người lớn tuổi, chỉ có họ mới còn giữ thói quen đọc báo in, chứ đa số các bạn trẻ bây giờ chỉ cần cái điện thoại “quẹt quẹt” là thu thập tin tức rất nhanh” - ông Kiên cho biết thêm.
Sạp báo hay báo được treo trên giá để ven lề đường là hình ảnh quen thuộc của phố phường, giờ đây trở nên hiếm hoi. Nhờ số ít độc giả vẫn còn thích đọc báo in, sạp báo mới được duy trì, họ bán để tạo niềm vui, bán vì mối thân quen, làm đa dạng sản phẩm kinh doanh và chính những người bán báo vẫn thích đọc, vẫn cập nhật tin tức thông qua những tờ báo. Họ trăn trở: Báo giấy đến khi nào được nhộn nhịp trở lại, qua thế hệ này còn được bao nhiêu độc giả cầm tờ báo in, sạp báo lại tiếp tục vắng dần trong thời kỷ nguyên số.
ĐĂNG LÂN