Thanh niên Khmer với dự án nông nghiệp tuần hoàn

03/04/2024 - 06:16

 - Tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) và có việc làm ổn định, song thanh niên Chau Qui Sal (sinh năm 1991, ngụ khóm Tô An, thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) lại chọn con đường khởi nghiệp ngay tại quê hương xứ sở với chuỗi dự án nông nghiệp tuần hoàn.

Một ngày cuối tháng 3, cái nắng như đổ lửa càng khiến xứ núi huyện Tri Tôn trở nên oi bức. Cái nắng như thiêu đốt cả những cây cỏ ven đường. Vườn chúc của Chau Qui Sal cũng đang bị khô hạn vì thiếu nguồn nước tưới mát.

Theo Qui Sal, nhờ thực hiện dự án nông nghiệp tuần hoàn, vườn chúc hơn 120 gốc của gia đình mới có sức đề kháng chống chọi sâu bệnh và cái nắng gay gắt như hiện nay.

Cụ thể, từ nguồn phân trùn quế, Chau Qui Sal dùng để bón cho vườn chúc và tạo ra dịch thủy phân từ trùn quế để cung cấp dinh dưỡng cho cây và vật nuôi. Với vườn chúc được trồng hoàn toàn bằng hữu cơ, chàng thanh niên trẻ muốn xây dựng nguồn nguyên liệu tốt từ đầu vào để tạo ra sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng.

Dịch trùn quế do Chau Qui Sal tự làm

“Tôi vận động 2 hộ nông dân nuôi bò với số lượng nhiều nuôi trùn quế để xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho dự án. Theo đó, tôi sẽ cung cấp con giống trùn quế và chuyển giao kỹ thuật nuôi trùn đạt hiệu quả tốt nhất.

Người nuôi sẽ xây dựng chuồng trại đạt chuẩn, đảm bảo kỹ thuật để trùn phát triển tốt. Sau khi nuôi khoảng 3 tháng, có thể thu hoạch trùn thịt và phân trùn. Từ nguồn ấy, tôi sẽ cung cấp đến các hộ đang nuôi trồng trên địa bàn và các địa phương lân cận cũng như phục vụ vườn chúc của mình” - Chau Qui Sal chia sẻ.

Giá trùn thịt khoảng 80.000 đồng/kg. Mỗi tháng, Chau Qui Sal thu mua 60 - 70kg trùn thịt (tạo điều kiện cho nông dân có thêm thu nhập). Chủ yếu, Chau Qui Sal thu mua phân trùn. Trung bình khoảng 3 - 6 tháng, thu mua 2 - 10 tấn phân 1 lần, giá thu mua dao động từ 2.000 - 4.000 đồng/kg.

Theo Qui Sal, với 70% đạm trong cơ thể, trùn quế là thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao cho vật nuôi. Con vật được nuôi bằng trùn quế tăng trọng nhanh, chất lượng thịt vượt trội. Phân từ trùn quế có tác dụng kích thích tăng trưởng cây trồng, góp phần làm giảm mức độ sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, tăng khả năng chống sâu bệnh.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, trùn quế là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp sạch gắn với bảo vệ môi trường. Vì phân trùn quế có thể được sử dụng như một thành phần của đất ươm, vườn ươm hay phân bón hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và cải tạo đất.

Vườn chúc của Chau Qui Sal được trồng theo hướng hữu cơ

Ngoài ra, Qui Sal còn tự chế biến ra dịch trùn quế từ phân trùn. Dịch trùn quế là sản phẩm của quá trình thủy phân. Khi phun dịch trùn quế cho cây trồng sẽ làm tăng khả năng sống sót của hạt phấn, tăng khả năng đậu trái trên các loại cây tự thụ phấn. Dịch trùn quế vượt trội so các loại phân bón thông thường bởi yếu tố sạch và thân thiện môi trường, góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch.

Vật nuôi bằng dịch trùn quế cũng phát triển tốt. Có thể nói, đây là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cả cây trồng và vật nuôi. Ngoài sử dụng dịch trùn quế cho vườn chúc của mình, Chau Qui Sal còn cung cấp cho một số nhà nông với giá bán từ 180.000 - 200.000 đồng/lít.

“Vườn chúc của gia đình đã hơn 7 năm tuổi. Trước đây, gia đình tôi chỉ bán trái (giá 20.000 - 70.000 đồng/kg) và bán lá (giá 70.000 đồng/kg). Với dự án nông nghiệp tuần hoàn, tôi dự định chế biến những sản phẩm thân thiện từ chúc, như: Dầu gội chúc, tinh dầu chúc. Hiện, tôi đã thành lập Công ty TNHH Sall Organic Product được hơn 3 tháng. Đây là tiền đề để tôi phát triển những dự án của mình.

Vừa qua, tôi được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang hỗ trợ nguồn vốn 40 triệu đồng với dự án phục hồi vườn chúc. Đó là bước khởi đầu cho việc phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ mà tôi đang theo đuổi”.

Dù còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nhưng Chau Qui Sal vẫn đạt được những kết quả đáng phấn khởi vì vườn chúc phát triển như mong đợi. Với sức trẻ cùng sự tâm huyết với nông nghiệp sạch, thời gian tới, Chau Qui Sal sẽ mở rộng liên kết nuôi trùn quế nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế

PHƯƠNG LAN