Phấn đấu đến hết năm 2025, có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đạt chuẩn huyện nông thôn mới; có trên 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu trong tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh tư liệu, minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nêu rõ, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đã được ban hành đầy đủ; kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền giao cụ thể cho các địa phương. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuận lợi hơn trong tổ chức triển khai thực hiện, có căn cứ để xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn theo quy định.
Tính đến tháng 4/2022, cả nước có 6.009/8.211 xã (73,2%) đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó có 1.138 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 139 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mới.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Chương trình đang gặp một số khó khăn như: hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện ở cấp Trung ương ban hành còn chậm so với kế hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch, giao vốn ngân sách Trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025. Một số văn bản sau khi ban hành đã phát sinh vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ, điều chỉnh như: vấn đề phân cấp, giao UBND, HĐND ban hành nội dung, định mức hỗ trợ vốn ngân sách trung ương, quy định về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình… Một số văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới của một số bộ, ngành chưa cụ thể, hoặc một số chỉ tiêu khó thực hiện ở một số địa bàn…
Về giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình năm 2023 và đến hết năm 2025, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành trung ương và địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện xây dựng nông thôn mới; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu năm 2023 và đến hết năm 2025 theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu, bảo đảm thực chất, hiệu quả và bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội, Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là Chương trình được triển khai nền nếp, có tốc độ giải ngân nhanh hơn so với 2 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát việc triển khai thực hiện Chương trình trong giai đoạn trước và rút kinh nghiệm trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy nhiên, Bộ cần tiếp tục rà soát việc phối hợp giữa các bộ, ngành đã chặt chẽ chưa, có hay không tình trạng “cát cứ”, “việc ai người nấy làm". Cùng với đó, cần phân tích, làm rõ hơn về nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn, thiếu văn bản hướng dẫn, hoặc văn bản hướng dẫn các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chồng chéo, chưa đồng bộ; tiếp tục quan tâm đến việc hướng dẫn xây dựng bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, nhất là tiêu chí về xã nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao phù hợp với đặc điểm từng vùng miền.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá kỹ hơn về vấn đề lồng ghép vốn cho việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; đánh giá trong tổng thể 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai thực hiện thì Chương trình xây dựng nông thôn mới có phải là nền tảng hay không, qua đó đề xuất về nội dung lồng ghép, phương thức lồng ghép, cách thức điều phối, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo TTXVN