Thế giới đã ghi nhận trên 276,7 triệu ca mắc COVID-19

23/12/2021 - 10:05

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 22-12 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 276.757.427 ca COVID-19, trong đó có 5.388.694 ca tử vong. Trên 248,27 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn trên 23 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Đông Nam Á, Lào ghi nhận 1.341 ca mắc mới tại 18 tỉnh, thành phố và 4 ca tử vong do căn bệnh này. Số ca mắc mới đã tăng 213 ca so với một ngày trước đó và đa số vẫn là lây nhiễm trong cộng đồng. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước khi ghi nhận số ca cộng đồng tăng cao với 640 ca trong một ngày. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 101.865 ca, trong đó có 288 người tử vong. Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục chuẩn bị trung tâm cách ly và cơ sở điều trị đầy đủ, chuẩn bị ngân sách dự phòng để mua vật tư y tế, vaccine, thuốc điều trị, dung dịch xét nghiệm và các thiết bị cần thiết khác. Tới nay, đã có hơn 60% dân số Lào tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và hơn 46% đã tiêm mũi thứ hai.

Chính phủ Thái Lan đã dành 35,06 tỉ baht (khoảng 1 tỉ USD) để tài trợ cho việc mua 90 triệu liều vaccine của các hãng Pfizer và AstraZeneca. Số tiền dùng để mua vaccine nói trên lấy từ ngân sách 35,9 tỉ baht được Nội các Thái Lan thông qua trong cuộc họp ngày 21/12. Phần còn lại sẽ được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho những người tham gia bảo hiểm xã hội làm việc trong lĩnh vực kinh doanh giải trí và tổ chức các sự kiện thể thao. Tính đến ngày 19/12, 50,5 triệu người (tương đương 72% dân số) được tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19, 44,3 triệu người (61,63% dân số) được tiêm đầy đủ 2 mũi và hơn 5 triệu người (6,97% dân số) được tiêm mũi thứ ba tăng cường. Sáng 22/12, Thái Lan thông báo ghi nhận thêm 2.532 ca mắc mới cùng 31 ca tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 2.199.061 ca, trong đó có 21.471 ca tử vong. Thái Lan đã phát hiện hơn 60 ca nhiễm biến thể Omicron, trong khi 97 ca khác đang chờ xác nhận.

Thành phố Tây An ở miền Bắc Trung Quốc, ghi nhận 52 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 143 trường hợp kể từ ngày 9/12 vừa qua. Để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, kể từ ngày 22/12, người dân bị cấm ra khỏi thành phố bằng tàu nếu không có giấy tờ xác nhận rằng chuyến đi của họ là cần thiết. Động thái trên diễn ra chỉ một ngày sau khi chính quyền thành phố tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ 13 triệu cư dân tại đây. Khoảng 90 khu dân cư đã bị phong tỏa, các bến xe đường dài phải đóng cửa, trong khi nhà chức trách thiết lập nhiều trạm kiểm soát trên đường cao tốc ra khỏi Tây An.

Israel thông báo sẽ sớm triển khai tiêm phòng mũi thứ 4 cho người cao tuổi, nhân viên y tế, mở ra khả năng Israel sẽ là nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt việc tiêm mũi thứ 4. Quyết định trên nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, trong bối cảnh ngày 21/12 quốc gia Trung Đông này ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất trong 2 tháng qua, với 1.306 ca. Tuy nhiên, số ca mắc mới này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hồi đầu tháng 9 vừa qua, theo đó, mỗi ngày Israel ghi nhận khoảng 10.000 ca nhiễm mới do sự lây lan của biến thể Delta.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: THX/TTXVN

Thổ Nhĩ Kỳ thông báo cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine đầu tiên do nước này tự bào chế và sản xuất trong nước, mang tên Turkovac. Hồi tháng 6, vaccine Turkovac đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III với sự tham gia của 40.800 tình nguyện viên tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện số liệu chính thức về kết quả thử nghiệm chưa được công bố. Tuy nhiên, giới chức y tế Thổ Nhĩ Kỳ khẳng địnhTurkovac “rất thành công” và có thể “tốt hơn các vaccine bất hoạt khác”. Turkovac hoạt động theo các nguyên lý giống vaccine Coronavac của Trung Quốc, loại mà Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng trong chương trình tiêm chủng đại trà từ đầu năm đến nay. Hiện ít nhất 85,6% người trưởng thành ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được tiêm đủ hai mũi vaccine.

Tại châu Âu, Nga cân nhắc điều chỉnh chương trình tiêm phòng trong bối cảnh số trẻ em nhiễm biến thể Omicron và phải điều trị trong bệnh viện đã tăng gấp khoảng 2,5 lần và vẫn có những trường hợp tái nhiễm. Trước đó, Bộ Y tế Nga đã phê duyệt lịch tiêm chủng quốc gia, trong đó có lịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 và yêu cầu việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi phải được thực hiện theo yêu cầu bằng văn bản của cha mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật. Hiện hơn 76,5 triệu người Nga đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên và hơn 70,8 triệu người đã tiêm đủ liều.

Anh sẽ giảm thời gian tự cách ly từ 10 ngày xuống còn 7 ngày đối với những người ở vùng England có kết quả xét nghiệm âm tính trong 2 ngày liên tiếp. Những người có kết quả xét nghiệm âm tính trong ngày thứ 6 và thứ 7 trong thời gian tự cách ly, với mỗi lần test cách nhau 24 giờ, sẽ không phải cách ly trong 10 ngày. Cơ quan an ninh y tế Anh (UKHSA) khuyến nghị những người hết thời hạn tự cách ly sau 7 ngày cần làm việc tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác ở nơi đông người hoặc thông gió kém và giảm tối đa việc tiếp xúc với những người dễ tổn thương. Với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron tại Anh và số ca nhiễm mới ở mức cao kỷ lục trong tuần qua, nhiều ngành nghề của Anh đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid khẳng định quyết định trên nhằm làm giảm ảnh hưởng của COVID-19 đối với cuộc sống hằng ngày.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bologna, Italy. Ảnh: THX/TTXVN

Italy ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay, trong khi hầu hết các chỉ số liên quan khác đều ở mức báo động. Ngày 21/12, Italy có 30.798 ca mới, gần gấp đôi mức 16.213 ca ghi nhận ngày 20/12, chiếm 3,6% trong tổng số 851.865 mẫu xét nghiệm tiến hành cùng ngày. Số ca phải nhập viện tăng 280 người, trong khi số ca cần chăm sóc đặc biệt cũng tăng 25 người so với một ngày trước đó, đưa tổng số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt vượt mức 1.000 người, tương đương mức hồi tháng 5. Ngoài ra, số ca tử vong cũng tăng lên 153 ca (so với 137 ca ghi nhận ngày 20/12), đưa số người không qua khỏi lên con số 135.931 người kể từ tháng 2/2020, thời điểm bùng phát đại dịch tại Italy. Chính phủ Italy đang cân nhắc sẽ áp dụng trở lại một số biện pháp hạn chế, như bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra đường và phải xét nghiệm COVID-19 khi tới tham gia các sự kiện tập trung đông người. 

Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach ủng hộ tiêm mũi thứ 4 để củng cố khả năng ứng phó với virus SARS-CoV-2 sau khi xuất hiện biến thể mới Omicron lây lan nhanh hơn. Bộ trưởng Lauterbach nhấn mạnh chiến dịch tiêm mũi tăng cường được coi là tấm khiên chắn quan trọng nhất trong phòng chống biến thể Omicron tại Đức. Ông cũng thể hiện ủng hộ chính sách tiêm phòng bắt buộc, cho rằng nếu không thực hiện chính sách này thì sẽ khó có thể ứng phó với các làn sóng dịch bệnh tiếp theo trong dài hạn.

Tại châu Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden tìm cách trấn an người dân về khả năng đối phó của nước này trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron vốn đã trở thành biến thể chủ đạo tại Mỹ. Ông Biden nhấn mạnh chiến dịch tiêm chủng sẽ giúp ngăn ngừa các ca bệnh nặng trong số 62% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Ông cũng kêu gọi người dân nên tiêm nhắc lại để gia tăng mức độ bảo vệ chống lại biến thể Omicron với nhiều đột biến.

Tổng thống Biden cũng công bố kế hoạch đối phó với sự gia tăng số ca mắc, trong đó có triển khai quân nhân đến bệnh viện, vận chuyển vật tư đến các bang bị ảnh hưởng nặng nề, cũng như thiết lập và vận hành các địa điểm xét nghiệm miễn phí mới. Chính phủ sẽ phát miễn phí 500 triệu bộ xét nghiệp tại nhà cho những người có nhu cầu, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 1/2022. Hiện vẫn còn khoảng 40 triệu người Mỹ đủ điều kiện tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhưng chưa tiêm. Cố vấn Y tế Nhà Trắng, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci đã cảnh báo về mùa Đông nguy hiểm đối với những người chưa tiêm chủng. 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Toronto, Canada. Ảnh: THX/TTXVN

Làn sóng dịch thứ 5 đang lan rộng khắp Canada do sự lây lan mạnh của biến thể Omicron, buộc hầu hết các tỉnh bang thông báo tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Quebec, tỉnh bang với dân số 8,4 triệu người, đã ghi nhận 5.043 ca mắc mới, một lần nữa phá kỷ lục về số ca mắc mới trong một ngày được ghi nhận trước đó. Chính quyền tỉnh bang đang xem xét siết chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế, chỉ một ngày sau khi công bố các biện pháp mạnh như đóng cửa trường học, quán bar và rạp chiếu phim.

Ontario, tỉnh bang đông dân nhất với 14 triệu dân, đã ghi nhận 3.453 ca mắc mới trong ngày 21/12. Ontario đã công bố các quy định mới về giới hạn số người tham gia các cuộc tụ họp cũng như sức chứa trong các cửa hàng và nhà hàng trong nỗ lực khống chế dịch bệnh. Trong khi đó, tỉnh bang Nova Scotia đã báo cáo 522 ca mắc mới và đã quyết định giảm số lượng người được phép tham dự các cuộc tụ họp. Với 156 ca mắc mới được ghi nhận trong ngày 21/12, tỉnh bang New Brunswick cũng thông báo siết chặt các biện pháp hạn chế để ngăn dịch bệnh lây lan.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh bang British Columbia ngày 21/12 thông báo sẽ đóng cửa các phòng tập thể dục, quán bar và hộp đêm trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, trong khi giảm lượng khách hàng được phép dùng bữa tại các nhà hàng và quán cà phê để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Trong ngày 21/12, Canada ghi nhận tổng cộng 9.597 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 1.907.180 ca, trong đó có 30.082 ca tử vong.

Theo LÊ ÁNH (TTXVN)