Tại châu Mỹ, ngày 6-3, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cứu trợ liên quan tới đại dịch Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất. Phát biểu ý kiến trước cuộc bỏ phiếu, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của đảng Dân chủ cho biết: "Một ngày dài, một đêm dài, một năm dài nhưng ngày mới đã tới và chúng tôi sẽ nói với người dân Mỹ rằng trợ giúp đang trên đường tới. Dự luật sẽ mang tới nhiều hỗ trợ cho người dân hơn bất cứ chính phủ liên bang nào từng làm trong các thập niên vừa qua".
Với 50 phiếu thuận và 49 phiếu chống, sau khi được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, dự luật sẽ được gửi lại cho Hạ viện thông qua lần cuối trước khi được gửi tới Tổng thống ký ban hành.
Đo thân nhiệt khách tới tham quan sân vận động Ziggo Dome tại thủ đô Amsterdam của Hà Lan. (Ảnh: Getty Images)
Tại châu Á, ngày 7-3, Bộ Y tế Brunei thông báo dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội và thực hiện giai đoạn "bình thường mới" cho các hoạt động quan trọng của xã hội, qua đó cho phép tụ tập đông người, kể từ ngày 8-3. Theo thông báo, tình hình dịch Covid-19 tại Brunei đã được kiểm soát khi số ca mắc trong cộng đồng gần nhất được phát hiện cách đây hơn 300 ngày. Do đó, Bộ Y tế Brunei đã đưa ra những thay đổi, áp dụng cho các hoạt động ở những địa điểm như thánh đường, nhà trường, bảo tàng, cơ sở thể thao, nhà hàng, rạp chiếu phim, hội trường và chợ. Các sự kiện tập trung đông người cũng được mở rộng từ 350 lên 1.000 người. Cùng với đó, Bộ Y tế Brunei khuyến cáo người dân quét mã QR về sức khỏe tại tất cả các địa điểm và luôn có các biện pháp đề phòng như thường xuyên rửa tay và sử dụng khẩu trang ở chỗ đông người.
Tại châu Phi, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari và Phó Tổng thống Yemi Osinbajo đã được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Buhari kêu gọi người dân Nigeria tham gia tiêm chủng và bảo vệ bản thân an toàn trước dịch Covid-19. Ông cũng yêu cầu tất cả nhân viên chính quyền các bang, các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng gương mẫu đi tiêm chủng và vận động người dân. Quốc gia châu Phi đã khởi động chiến dịch tiêm chủng Covid-19 vào ngày 5-3. Các nhân viên y tế tuyến đầu là những người được ưu tiên tiếp cận vaccine. Đầu tháng 3-2021, Nigeria đã nhận lô vaccine AstraZeneca đầu tiên thông qua cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chủ trì. Đến nay, Nigeria đã ghi nhận hơn 158 nghìn ca Covid-19, trong đó gần 2.000 người tử vong.
Tại châu Âu, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thông báo, Trợ lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin về lĩnh vực kinh tế Maxim Oreshkin có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Ông Oreshkin từng tháp tùng Thủ tướng Mikhail Mishutin trong chuyến thăm và làm việc tại các địa phương của vùng Siberia, LB Nga. Trong thông báo mới nhất, Điện Kremlin khẳng định gần đây Tổng thống Vladimir Putin không gặp ông Oreshkin và cuộc họp nội các tuần tới về các vấn đề kinh tế sẽ bị hoãn. Đến thời điểm này đã có nhiều quan chức chính phủ và nghị sĩ quốc hội Nga nhiễm virus SAR-CoV-2 và Thủ tướng Mikhai Mishutin từng nhiễm loại virus này và đã được chữa khỏi.
Hiện nay, Chính phủ Nga đang tích cực triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng. Ngày 4-3, Tổng thống Vladmir Putin cho biết đã có khoảng bốn triệu người Nga được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Trong đó, hơn hai triệu người đã tiêm đủ hai liều vaccine và khoảng hai triệu người khác đã tiêm mũi đầu tiên. Ngày 6-3, Nga ghi nhận thêm 11.022 người nhiễm virus SAR-CoV-2, nâng tổng số người bị nhiễm virus lên hơn 4,3 triệu người.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Phần Lan Anna-Maja Henriksson ngày 6-3 tuyên bố nước này sẽ hoãn cuộc bầu cử hội đồng địa phương, dự kiến diễn ra vào tháng 4, sang giữa tháng 6, do sự gia tăng số ca mắc Covid-19. Tình hình dịch bệnh hiện nay làm dấy lên lo ngại về việc cử tri đi bỏ phiếu thấp cũng như khả năng số ca lây nhiễm tăng cao sau ngày bầu cử. Phần Lan có 309 hội đồng địa phương, với nhiệm vụ thu thuế người dân và quản lý các dịch vụ cơ bản như chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Hiện 9 trên 10 đảng trong Quốc hội Phần Lan ủng hộ việc hoãn bầu cử địa phương, trong khi duy nhất đảng True Finns, đảng cánh hữu với tư tưởng bài Liên hiệp châu Âu (EU), ủng hộ tổ chức bầu cử vào tháng tới theo đúng kế hoạch.
Phần Lan là một trong những quốc gia châu Âu ít chịu tác động từ đại dịch Covid-19, song giới chức nước này đang thận trọng trước sự gia tăng số ca nhiễm cũng như việc xuất hiện các biến thể mới của virus, đặc biệt là ở thủ đô Helsinki và các khu vực chung quanh.
Ngày 1-3 vừa qua, Chính phủ Phần Lan đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 gia tăng. Theo đó, các nhà hàng, trường học phải đóng cửa, hoạt động đi lại giữa các vùng bị hạn chế. Tình trạng khẩn cấp cũng cho phép chính phủ nước này áp đặt các biện pháp khác để kiềm chế dịch bệnh lây lan.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 7-3 (giờ Việt Nam):
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 29.653.891 ca mắc, 537.119 ca tử vong
2. Ấn Độ: 11.210.580 ca mắc, 157.791 ca tử vong
3. Brazil: 10.939.320 ca mắc, 264.446 ca tử vong
4. Nga: 4.312.181 ca mắc, 88.726 ca tử vong
5. Anh: 4.213.343 ca mắc, 124.419 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.373.836 ca mắc, 37.154 ca tử vong
2. Philippines: 591.138 ca mắc, 12.465 ca tử vong
3. Malaysia: 311.777 ca mắc, 1.166 ca tử vong
4. Myanmar: 142.023 ca mắc, 3.200 ca tử vong
5. Singapore: 60.020 ca mắc, 29 ca tử vong
6. Thái Lan: 26.305 ca mắc, 85 ca tử vong
7. Việt Nam: 2.509 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 953 ca mắc
9. Brunei: 189 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 47 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 34.993.089 ca mắc, 833.200 ca tử vong
2. Bắc Mỹ: 34.039.146 ca mắc, 775.764 ca tử vong
3. Châu Á: 25.471.809 ca mắc, 403.441 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 18.527.444 ca mắc, 480.016 ca tử vong
5. Châu Phi: 3.985.061 ca mắc, 105.669 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 51.540 ca mắc, 1.093 ca tử vong
Theo Báo Nhân Dân