COVID-19 tới 6 giờ sáng 6-2:

Thế giới xấp xỉ 106 triệu ca bệnh, trên 2,3 triệu người tử vong

06/02/2021 - 08:06

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 454.199 trường hợp mắc COVID-19 và 13. 516 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã lên gần 106 triệu ca bệnh.


Nhân viên y tế làm việc tại một phòng xét nghiệm COVID-19 ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc tháng 2-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 454.199 trường hợp mắc COVID-19 và 13. 516 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã lên gần 106 triệu ca bệnh.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 6-2 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 105.860.081 ca, trong đó có 2.306.696 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 77.594.573 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 25.969.238 ca và 106.844 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 5-2, thế giới có tới 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.

Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình vaccine.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 470.151 ca tử vong trong tổng số 27.382.523 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 154.956 ca tử vong trong số 10.790.969 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 230.034 ca tử vong trong số 9.447.252 bệnh nhân.

Tờ The Guardian của Anh mới đây cho rằng Mỹ đã thất bại trong việc phát triển một hệ thống giám sát cho phép các nhà nghiên cứu theo dõi các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.

Theo bài báo trên, để phát hiện các biến thể nguy hiểm, giống như các biến thể dễ lây truyền được xác định lần đầu tiên ở Anh và Nam Phi, việc nghiên cứu là rất cần thiết. Tuy nhiên, đến ngày 29-1, Mỹ mới chỉ lập kế hoạch và chia sẻ giải trình tự gene của 0,3% số ca mắc COVID-19 ở nước này, xếp thứ 30 trên thế giới.

Sau Mỹ về số ca mắc COVID-19 là Ấn Độ với hơn 10,8 triệu ca mắc và 154.800 ca tử vong, tiếp đến là Brazil với 9,39 triệu ca mắc và 228.800 ca tử vong, Nga với 3,93 triệu ca mắc và 75.700 ca tử vong.

Xét về khu vực, châu Âu tiếp tục là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới với 30,9 triệu ca mắc. Tuy nhiên, cách ứng phó với dịch bệnh ở các nước không hoàn toàn giống nhau. Anh cho biết sẽ siết chặt quy định cách ly từ ngày 15-2, theo đó những người Anh hoặc định cư tại Anh trở về từ 33 nước thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao các biến thể của virus SARS-CoV-2 bắt buộc phải cách ly 10 ngày tại khách sạn ngay khi nhập cảnh.

Trong khi đó, tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex cho biết sẽ ngừng áp đặt lệnh phong tỏa mới sau khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn và chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 được thúc đẩy. Dù vậy, ông cho rằng hiện chưa phải là lúc nới lỏng các  hạn chế.

Tại Áo, chính phủ nước này cũng khẳng định không áp dụng phong tỏa vùng Tyrol, khu vực vừa phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Nam Phi. Bộ trưởng Y tế Rudolf Anschober cho biết vùng Tirol sẽ không bị cách ly, thay vào đó sẽ triển khai xét nghiệm hàng loạt tại các khu vực nhất định.

Tại Bỉ, ngày 5-2, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã công bố các biện pháp nới lỏng đối với một số ngành nghề, trong đó có ngành nghề tiếp xúc trực tiếp như cắt tóc. Quyết định được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban tham vấn.

Cụ thể là các cửa hiệu cắt tóc, các địa điểm nghỉ dưỡng và vườn bách thú sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 13-2 với điều kiện phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch và an toàn y tế được quy định rất nghiêm ngặt. Ngoài ra, các ngành nghề tiếp xúc trực tiếp như thẩm mỹ và xăm hình cũng sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 1-3. Trong khi đó, các ngành dịch vụ ăn uống, văn hóa và tổ chức sự kiện vẫn chưa có lịch được hoạt động trở lại dù đã phải đóng cửa từ nhiều tháng nay.

Song song với việc công bố quyết định trên, Thủ tướng De Croo đã yêu cầu các cơ quan chức năng và chuyên gia thiết lập lộ trình có tính đến số liệu về dịch bệnh, năng lực của các bệnh viện, diễn biến dịch tễ học và tiến độ tiêm chủng vaccine để đưa ra các biện pháp nới lỏng cần thiết.

Hiện số liệu bệnh dịch tại Bỉ vẫn ở mức ổn định với trung bình 2.349 ca nhiễm mới/ngày trong tuần từ 26-1 - 1-2 và 121 ca nhập viện/ngày trong tuần từ 29-1 - 4-2. Hiện Bỉ đã ghi nhận 718.847 ca mắc COVID-19, trong số này có 21.260 ca tử vong và 1.752 người vẫn đang phải điều trị.

Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức ngày 5-2 cảnh báo nước này vẫn chưa thể sớm kiểm soát được đại dịch COVID-19 do sự nguy hiểm từ những biến thể mới. Trong khi đó, số ca tử vong từ đầu dịch đến nay đã vượt quá 60.000 người.

Chủ tịch RKI Lothar Wieler nhấn mạnh sự xuất hiện của các biến thể mới có tốc độ lây nhiễm cao đang là mối nguy thực sự cho công tác khống chế đại dịch của Đức và nước này chưa thể sớm kiểm soát được đại dịch do chưa khống chế được virus, nhất là trong bối cảnh xuất hiện thêm các biến thể khác từ Anh và Nam Phi. Mặc dù hiện tại các biến thể này chưa chưa bùng phát mạnh ở Đức, chỉ chiếm chưa đầy 6% số ca nhiễm, nhưng biến thể Anh đã xuất hiện tại 13/16 bang của nước này. Ông Wieler cảnh báo khả năng số ca nhiễm mới sẽ tăng lên khi các biến thể mới được phát hiện ngày càng nhiều hơn.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang sẽ nhóm họp trực tuyến vào ngày 10-2 tới để thảo luận về các hạn chế chống dịch do có nhiều ý kiến lo ngại nới lỏng quá sớm các biện pháp phong tỏa sẽ gây ra mối nguy thực sự. Một số nguồn tin chưa chắc chắn cho biết có khả năng Đức sẽ tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa thêm 2 tuần, bắt đầu từ giữa tháng này.

Còn tại Ba Lan, Thủ tướng Mateusz Morawiecki thông báo kể từ giữa tháng 2, các khách sạn, rạp chiếu phim và nhà hát ở nước này sẽ mở cửa trở lại nhưng chỉ được phép hoạt động với 50% công suất.

Trong khi đó, các nhà hàng và câu lạc bộ thể thao sẽ vẫn đóng cửa. Bản thân nội bộ nước Đức cũng đang có những quan điểm trái chiều về việc có nên nới lỏng hạn chế sau khi kết thúc lệnh phong tỏa toàn phần do dịch COVID-19 vào ngày 14-2 hay không. Dự kiến, trong ngày 10-2, Chính phủ Đức và các bang sẽ họp và đưa ra quyết định.

Tại Bắc Mỹ, Canada đã quyết định gia hạn lệnh cấm các tàu du lịch đi vào vùng biển đến năm 2022. Theo đó, các tàu du lịch chở từ 100 người trở lên tiếp tục bị cấm hoạt động trong vùng biển Canada. Các trường hợp vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 1 triệu CAD (hơn 779.500 USD) hoặc bị phạt tù với thời hạn lên đến 18 tháng.

Tại Mỹ Latinh, Cuba ban hành lệnh giới nghiêm đối với thủ đô La Habana từ tối 5-2 sau khi nước này ghi nhận số ca mắc mới tăng ở mức cao nhất từ trước đến nay. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, trong thời gian này chỉ có các phương tiện giao thông cũng như những người có giấy phép mới được phép ra ngoài tại thành phố.

Tại châu Phi, khoảng 2 triệu người ở các tâm dịch của Mozambique sẽ phải lần đầu tiên chịu cảnh giới nghiêm kể từ năm 1992 khi nội chiến kết thúc. Thông báo của Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi nêu rõ quốc gia Nam Phi này đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 21h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau từ ngày 5-2 đến 7-3 ở khu vực Great Maputo. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh hệ thống y tế nước này đang phải đối phó với số ca nhiễm mới ngày một gia tăng.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 400.000 ca, buộc nước này phải tăng tốc thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng dịch. Ngày 4-2, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 2.576 ca mắc mới, trong đó thủ đô Tokyo có 734 ca.

Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới trên toàn quốc ở dưới ngưỡng 3.000, tuy nhiên số ca nguy kịch lại tăng lên 892 ca. Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, số lượng người già mắc COVID-19 ở quốc gia trên đang có xu hướng tăng nhanh.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5-2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 17.867 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 46.410 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Myanmar và Malaysia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận thêm 11.984 ca COVID-19 và 189 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.134.854 ca và 31.202 ca.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 61 người thiệt mạng. Sau mấy tuần hạ nhiệt, Philippines lại đứng trước lo ngại sóng dịch tái phát khi số ca tử vong tăng cao mấy ngày gần đây. Philippines cũng đứng thứ 2 châu Á về số ca tử vong ngày 5-2.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 3.391 ca bệnh mới, 19 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua. 

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 5-2 ghi nhận thêm 586 ca bệnh mới, song không có ca tử vong.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 46.419 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 285 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.133.155 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.773.061 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Lào, Brunei và Campuchia không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.

Theo THANH TUẤN (Báo Tin tức)