Thêm một kỳ tích của y học Việt Nam

27/08/2020 - 07:42

Ba mươi tám năm qua ông Nguyễn Đức Vượng (63 tuổi, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) phải chịu đựng tình cảnh hai chân lệch nhau 11 cm, làm cho những bước đi trở nên rất vất vả, chất lượng cuộc sống giảm sút. Nhưng mới đây nhờ kỳ tích của y học đã trả lại cho ông những bước đi như người bình thường.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật thay xương cho người bệnh Nguyễn Đức Vượng.

Ông Vượng không may mắc bệnh viêm xương tủy xương đùi. Trải qua rất nhiều ca phẫu thuật tại các bệnh viện lớn nhưng kết quả không như mong muốn. Không chỉ đôi chân lệch nhau 11 cm, hai năm qua, những cơn đau cứ hành hạ và tăng dần, ông buộc phải thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau. Điều đó lại dẫn đến suy thận, teo hoàn toàn khối cơ mông, cơ đùi trước, cơ đùi sau bên trái, khiến dáng đi càng trở nên xiêu vẹo, ngả nghiêng. Để mong thoát khỏi cơn đau hành hạ cơ thể, ông Vượng đã nhiều lần đề nghị, thậm chí van xin bác sĩ hãy cắt cụt chân trái của mình để cho hết cơn đau. Với mọi người bước đi quá dễ dàng, nhưng với ông, buớc đi là cả một sự đau đớn đến tột cùng.

Đi khắp trong nam, ngoài bắc, hết dùng thuốc Đông y, lại sang Tây y, cứ nghe ai mách đâu có thuốc hay, thầy giỏi là vợ, con lại đưa ông đến. Một lần khám tại khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện E), các bác sĩ tư vấn cho ông nên thực hiện kỹ thuật rất mới, đó là thay thế toàn bộ đoạn xương bị viêm bằng kim loại. Đây là một kỹ thuật rất mới ở Việt Nam, mới chỉ một lần được thực hiện tại Bệnh viện K để thay xương cho người bệnh ung thư xương phá hủy toàn bộ xương đùi. Nhưng với trường hợp của ông lại khác, chỉ mắc căn bệnh viêm xương tủy xương đùi lành tính.

PGS, TS Trần Trung Dũng, Trưởng phân môn Chấn thương chỉnh hình Trường đại học Y Hà Nội đánh giá, đây là ca bệnh rất phức tạp. Bởi, thay toàn bộ xương đùi là một phẫu thuật rất phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ cao; đồng thời với đó, kỹ thuật của bác sĩ gây mê phải rất tốt để kiểm soát tình trạng toàn thân của người bệnh ở trước, trong và sau phẫu thuật. Là kỹ thuật mới, trên thế giới, trong khoảng 10 năm qua, chỉ có khoảng năm ca bệnh được thay toàn bộ xương đùi để điều trị bệnh lý viêm xương tủy xương lành tính nhằm bảo tồn chi thể một cách tối đa, tránh các trường hợp phải cắt cụt chi thể. Sau nhiều phiên hội chẩn, ê-kíp đã tiến hành phẫu thuật cho người bệnh qua hai thì mổ. Thì một, các bác sĩ phẫu thuật tháo toàn bộ xương đùi và đặt cement kháng sinh với hai mục đích diệt khuẩn và giữ khoảng chiều dài xương đùi hai bên phải như nhau. Sau bảy tuần sử dụng ba kháng sinh liên tục theo kháng sinh đồ, các bác sĩ phẫu thuật tháo cement kháng sinh và thay toàn bộ xương đùi nhân tạo gồm cả khớp háng, khớp gối. Đây là cuộc mổ được chuẩn bị rất chi tiết, mọi thông số cần phải chính xác từng mi-li-mét. Đáng chú ý, do người bệnh  kèm theo thoái hóa khớp gối và khớp háng nặng, ổ cối biến dạng với rất nhiều chồi xương; khối cơ mông chung quanh khớp teo giảm chức năng nhiều… cho nên nguy cơ trật khớp sau mổ rất cao. Vì thế, các bác sĩ đã nghiên cứu và áp dụng xu hướng mới là PSI tức là sử dụng các thông số của chính người bệnh được đo đạc chính xác trên cắt lớp dựng hình để chế tạo bộ khớp háng, xương đùi và khớp gối cũng đặc biệt cho chính người bệnh.

Sau 3 giờ 30 phút, các bác sĩ tập trung cao độ thực hiện thành công ca mổ. Xương đùi nhân tạo kèm khớp háng, khớp gối đã được đặt vào đúng vị trí. Không có biến chứng nào xảy ra trong mổ. Điều đặc biệt là sau phẫu thuật ngày thứ ba, người bệnh đã tự đứng và bước đi, các triệu chứng đau âm ỉ do viêm xương gần như không còn. Tầm vận động khớp gối và khớp háng cải thiện hơn, phần chênh lệch giữa hai chân được rút ngắn lại. Phẫu thuật thành công giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống, không còn phải chịu đựng cảm giác đau đớn, do vậy không cần dùng thuốc giảm đau. Ông Vượng chia sẻ: Đối với mọi người, một bước đi là quá dễ dàng nhưng đối với tôi đó là một kỳ tích. Các bác sĩ đã giúp tôi thực hiện được ước mơ có thể tự bước đi.

Phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi là đại phẫu của đại phẫu vì bao gồm cả khớp háng, khớp gối và toàn bộ xương đùi - xương lớn nhất của cơ thể. Hiện nay, trên thế giới các ca phẫu thuật thay xương đùi toàn phần chưa nhiều. Do vậy, ca phẫu thuật thay xương đùi thành công cho người bệnh Nguyễn Đức Vượng là một bước tiến lớn của y học Việt Nam, khẳng định vị thế trong nền y học thế giới nói chung và chuyên ngành chấn thương chỉnh hình nói riêng.

Theo MINH HOÀNG (Nhân Dân)