May gia công là việc làm phổ biến thu hút nhiều lao động nữ ở nông thôn lựa chọn, nhất là lao động trẻ, bởi dễ học, mau ra nghề, làm việc trong môi trường nhẹ nhàng, sạch sẽ. Nghề may được Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phối hợp Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên tổ chức hàng năm ở những nơi có nhu cầu. Không chỉ giúp phụ nữ có tay nghề, một số địa phương đã liên kết với công ty trong và ngoài tỉnh để có nguồn hàng lớn và thường xuyên, phát triển cơ sở hộ gia đình thành tổ hợp tác.
Điển hình như xưởng may của chị Nguyễn Thị Thúy An nằm cạnh bến phà Năng Gù, hiện nay vừa đào tạo nghề, vừa giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động ở khu vực nông thôn. Chị Thúy An cho biết, trước đây chủ yếu may quần công sở theo đơn hàng nhỏ. Nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã liên kết tổ chức dạy nghề cho phụ nữ và giới thiệu các nguồn hàng mới nên việc sản xuất ngày càng phát triển. Từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, bên cạnh sản phẩm quần công sở, xưởng may của chị Thúy An đẩy mạnh may khẩu trang xuất khẩu theo các đơn đặt hàng ở TP. Hồ Chí Minh, số lượng sản xuất bình quân 4.000 cái/ngày.
Nhiều nghề mới ở vùng nông thôn giúp phụ nữ có việc làm, thêm thu nhập
Suốt thời gian qua, cơ sở duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho 20-30 phụ nữ, chủ yếu là các chị em có con nhỏ, không có đất sản xuất, những người có nhu cầu làm việc gần nhà. Với lượng hàng sản xuất đều đặn, trung bình mỗi lao động tại đây kiếm được 1 triệu đồng/tuần. Hầu hết học viên chia sẻ, học nghề may rất nhanh, khoảng 1 tuần là có thể làm việc thành thạo để may sản phẩm. Hơn nữa, khi có chứng chỉ đào tạo nghề, nếu các chị muốn tìm việc làm ở nơi khác cũng thuận tiện hơn.
2 năm nay, xã Tân Trung phát triển thêm nghề đan ghế nhựa, có nhiều phụ nữ tham gia, kể cả nhận nguyên liệu về nhà làm. Sau nhiều năm làm việc ở tỉnh Bình Dương, chị Nguyễn Thị Bé Tý đã đem nghề này về địa phương phát triển.
“Đan ghế đơn giản, chỉ cần chịu khó quan sát và khéo tay, sau 2-3 ngày học nghề là có thể làm được. Công việc này cũng không nặng nhọc và ràng buộc về thời gian, nếu không muốn làm tại cơ sở, mọi người có thể nhận nguyên liệu dây nhựa, khung ghế về nhà để làm trong những lúc rảnh, vừa quản lý được nhà cửa, con cái, vừa có thêm thu nhập” - chị Tý chia sẻ.
Hiện nay, tại cơ sở của chị Tý có 12 lao động cố định. Ai chưa biết đan thì được chị Tý tận tình hướng dẫn, kể cả lao động nam, người lớn tuổi cũng học khá nhanh. Sau khi làm thuần thục, họ tự dạy nhau trong gia đình, nhận nguyên liệu về làm, góp phần cải thiện thu nhập. Vì vậy, không chỉ các hộ dân trong xã, nhiều người dân ở các xã lân cận cũng đến học nghề rồi nhận làm thành phẩm.
Bà Lê Thị Gòn (năm nay 70 tuổi) cho biết, nhà chỉ có 2 bà cháu nên nghe trong xóm giới thiệu, bà đến học công việc này mong có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Tùy theo sức khỏe, bà vừa làm vừa nghỉ, trong ngày làm được 5 cái, còn siêng hơn được 7 cái, yên tâm vì ngày nào cũng có “đồng ra đồng vô”.
Lợi thế của chị Tý là đã làm nghề đan ghế hơn 10 năm ở tỉnh Bình Dương, sau khi về quê lập nghiệp, chị được công ty cũ nhận bao tiêu sản phẩm. Tuy làm chủ, nhưng vợ chồng chị Tý vẫn tích cực làm thêm sản phẩm hàng ngày. Định kỳ nửa tháng, cơ sở xuất 1 chuyến xe khoảng 100 cái ghế lên công ty. Ngoài đan thành phẩm, lao động có thể đến cơ sở nhận làm các công đoạn khác nhau và trả tiền theo sản lượng. Nhiều năm sống cuộc sống “2 quê”, chị Tý rất thương cảm cho người lao động, nhất là lao động nữ ở quê nên chị kiên nhẫn hướng dẫn dạy nghề, tạo điều kiện để họ có thể làm thuận tiện nhất theo hoàn cảnh, khả năng.
Nỗ lực trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ nói riêng và lao động ở vùng nông thôn nói chung những năm qua được đánh giá ngày càng sát thực tế, nhu cầu chính đáng của người học. Nhờ đó, kết quả thực hiện chỉ tiêu đề ra hàng năm của ngành lao động - thương binh và xã hội huyện Phú Tân luôn đạt và vượt. Đáng kể là nhiều ngành nghề được tạo điều kiện phát triển ngay tại địa phương, nâng dần quy mô các cơ sở sản xuất, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
MỸ HẠNH