Thiết lập lá chắn bảo vệ sức khỏe người dân

10/02/2023 - 08:01

Các cuộc đàm phán dự thảo thỏa thuận toàn cầu về đại dịch dự kiến được khởi động từ ngày 27/2 tới. Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ giúp thế giới xích lại gần nhau hơn, cùng xây dựng lá chắn vững chắc bảo vệ sức khỏe người dân trước những đại dịch trong tương lai.

Bản dự thảo vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gửi đến các nước thành viên, chính thức mở ra cánh cửa đàm phán nhằm đi đến ký kết một thỏa thuận giúp thế giới sẵn sàng ứng phó các đại dịch trong tương lai. Reuters cho biết, theo dự thảo, chính phủ các nước có thể phải dự trữ thuốc và vắc-xin để WHO phân phối cho các nước nghèo, tránh lặp lại kịch bản thiếu hụt như trong đại dịch Covid-19.

Dự thảo cũng kêu gọi thiết lập mạng lưới chuỗi cung ứng để bảo đảm phân bổ nguồn lực nhanh chóng và công bằng hơn. Theo giới phân tích, các biện pháp được đưa ra nhằm tăng cường khả năng chống chọi của thế giới trước các đại dịch trong tương lai, đồng thời không để bất cứ quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.

Thỏa thuận về đại dịch do các quốc gia thành viên WHO cùng soạn thảo và sẽ trải qua quá trình đàm phán trước khi chính thức được thông qua. Giới phân tích nhận định, vấn đề gai góc nhất trên bàn đàm phán là quy định về miễn trừ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm và công nghệ y tế trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Những người ủng hộ cho rằng, biện pháp này sẽ giúp san bằng khoảng cách giữa các quốc gia, cho phép tiếp cận rộng rãi, nhanh chóng hơn các loại vắc-xin và thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, ý tưởng này có thể vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các “ông lớn” trong ngành dược phẩm cũng như một số nước phát triển, với lý do vấn đề bản quyền không phải rào cản lớn nhất trong việc tăng sản lượng vắc-xin và thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, việc miễn trừ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể làm giảm động lực đổi mới sáng tạo.

Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 6,7 triệu người, gây thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ USD, làm bộc lộ những bất bình đẳng trong việc tiếp cận thuốc, vắc-xin và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên toàn thế giới. Mặc dù không phải đại dịch đầu tiên nhân loại trải qua nhưng khi “cơn bão” Covid-19 mới đổ bộ, nhiều nước đã rơi vào tình thế lúng túng và bị động.

Tình trạng khan hiếm vắc-xin, thuốc và vật tư y tế làm đau đầu các nhà lãnh đạo thế giới. Cuộc chiến chống Covid-19 trong những năm qua cho thấy, thế giới vẫn còn nhiều khoảng trống cần được lấp đầy trong công tác chuẩn bị và ứng phó đại dịch.

Trong khi đó, chuyên gia về y tế của WHO Mike Ryan (M.Rai-ân) nhận định, sau Covid-19, thế giới có thể sẽ phải đương đầu những đại dịch khác, nhất là khi các điều kiện để bùng phát đại dịch như chiến tranh, nạn đói, thiên tai, dịch bệnh, đang hội tụ với tần suất và cường độ lớn chưa từng thấy.

Trên thực tế, trong hơn ba năm qua, các nước đã không ngừng nỗ lực và đạt được những thành quả nhất định về cải cách hệ thống y tế, tăng cường tình đoàn kết, sự hợp tác hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh. Nhiều cơ chế, quỹ ứng phó đại dịch đã được thiết lập và đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn ngừa các mối đe dọa dịch bệnh mới trong tương lai còn rời rạc và thế giới hiện vẫn trong trạng thái chưa sẵn sàng ứng phó các cuộc khủng hoảng y tế, giống như thời điểm đại dịch Covid-19 mới bùng phát. Vì vậy, việc đàm phán để đi đến ký kết một thỏa thuận toàn cầu về đại dịch là bước đi cần thiết.

Các nước thành viên WHO nhất trí rằng, thỏa thuận về đại dịch sẽ mang tính ràng buộc pháp lý đối với những nước tham gia ký kết. Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ là bước tiến lớn trong nỗ lực củng cố hệ thống y tế toàn cầu và bảo vệ sức khỏe người dân ■

Theo TƯỜNG VŨ (Nhân Dân)