Thoại Sơn không ngừng phát triển
Không ngừng vươn lên
Những dấu son lịch sử qua 200 năm kể từ khi danh thần Thoại Ngọc Hầu dựng bia, lập làng Thoại Sơn đến nay; đặc biệt là những thành tựu đáng tự hào mà các thế hệ tiếp nối nhau trên quê hương Thoại Sơn đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, mà bắt nguồn từ tính cách của con người Thoại Sơn: Biết trân trọng, tri ân, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của tiền nhân, đồng thời luôn đoàn kết một lòng với ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Thực hiện chính sách tam nông của tỉnh, từ năm 2001-2009, Thoại Sơn đã thực hiện 13 đề án phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Trong đó, đề án đột phá và có tính quyết định là xây dựng đê bao kiểm soát lũ kết hợp đường giao thông nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhân dân đã tự nguyện đóng góp tiền của, công sức cùng với nhà nước xây dựng hệ thống đê bao kiểm soát lũ triệt để, đảm bảo chuyển toàn bộ diện tích sang sản xuất 3 vụ. Cùng với đó, chính quyền và nhân dân Thoại Sơn chung sức hoàn thành bê-tông và nhựa hóa 350/900km đê bao. Trong đó, 200km đường đê có đèn nông thôn, gần 200 cầu bê-tông và cầu sắt nối liền giao thông nông thôn cũng được hoàn thành...
Từ một vùng quê hẻo lánh, hoang hóa, qua ý chí và sức người của nhiều thế hệ lưu dân, Thoại Sơn trở thành một đơn vị hành chính cấp thôn rồi cấp quận, huyện và không ngừng phát triển. Vài thập kỷ trở lại đây, Thoại Sơn nhanh chóng “thay da, đổi thịt”.
Thoại Sơn hôm nay đã chuyển mình mạnh mẽ, hạ tầng giao thông, đô thị ngày càng phát triển khang trang, các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, thương mại dịch vụ, du lịch chuyển biến khá. Kết cấu hạ tầng KTXH, như: Điện, đường, trường, trạm, chợ, nước sạch, thông tin, bưu chính - viễn thông… phát triển đồng bộ, tạo sức bật để Thoại Sơn vững bước phát triển.
Những cột mốc tự hào
Bước vào thời kỳ đổi mới, Thoại Sơn có nhiều chủ trương đột phá về cơ chế khoán đất sản xuất nông nghiệp, cơ chế phân phối, lưu thông hàng hóa, lương thực. Bằng những cách làm phù hợp, những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Thoại Sơn đã thực hiện chủ trương chuyển vụ thành công toàn bộ diện tích 37.000ha đất sản xuất từ 1 vụ lên 2 vụ/năm, tạo động lực cho nền kinh tế bứt phá.
Trên đà phát triển đó, thực hiện chủ trương tam nông của tỉnh, giai đoạn 2001-2009, Thoại Sơn tiếp tục tạo bước đột phá mới với đề án xây dựng hệ thống đê bao kiểm soát lũ kết hợp giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Kết quả, nhân dân đồng tình hưởng ứng, đóng góp trên 60% tổng kinh phí đầu tư, hoàn thiện hạ tầng sản xuất an toàn 3 vụ/năm. Theo đó, tổng diện tích gieo trồng hàng năm của huyện đến nay đạt trên 100.000ha, sản lượng hơn 700.000 tấn, tăng gấp 10 lần so với những năm đầu thập niên 80.
Niềm vinh dự đã đến khi Thoại Sơn - huyện thuần nông ngày nào đã được chọn làm điểm xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên của tỉnh An Giang. Với những nỗ lực không ngơi nghỉ, cùng sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Thoại Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2018, sớm hơn lộ trình 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từ một vùng đất thuần nông còn nhiều khó khăn, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ và động viên thường xuyên của lãnh đạo Trung ương, tỉnh cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị; đặc biệt hơn hết là sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, huyện Thoại Sơn đã huy động được hơn 2.119 tỷ đồng từ ngân sách, vốn huy động trong nhân dân và các doanh nghiệp (trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh là 1.128 tỷ đồng chiếm 53,28%) để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KTXH, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống nhân dân.
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất với sự tham gia tích cực của người dân, các địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Sau nhiều nỗ lực, huyện Thoại Sơn có 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao (14/14 xã) và là huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành xây dựng xã NTM nâng cao.
Huyện Thoại Sơn tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, quan tâm phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển du lịch. Cùng với đó, tăng cường huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, dự án trọng điểm nhất là các công trình phục vụ xây dựng huyện NTM nâng cao. Đồng thời, triển khai các mô hình sản xuất có hiệu quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao…
Những thành tựu về phát triển KTXH cùng với những cách làm sáng tạo, thiết thực, phù hợp thực tế cũng như nguyện vọng người dân đã giúp huyện Thoại Sơn ngày càng sung túc, trù phú, sánh vai cùng các địa phương khác xây dựng quê hương An Giang phát triển.
PHƯƠNG LAN