Thoại Sơn phấn đấu hoàn thành nông thôn mới nâng cao

22/01/2023 - 09:47

 - Sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2018, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) tiếp tục phát huy nội lực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân để xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao theo lộ trình đề ra.

Xác định tiềm năng, thế mạnh

Qua kết quả tự đánh giá của huyện, đến nay đã đạt 5/9 tiêu chí và 30/38 chỉ tiêu. Để có được thành quả như vậy, huyện xác định thế mạnh là sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy Đảng và chính quyền có vai trò quan trọng. Thực tiễn cho thấy, nơi nào các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể thực sự quan tâm vào cuộc thường xuyên sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ nét.

Phong trào xây dựng NTM của huyện ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng, với sự tham gia tích cực của người dân, các xã có sự thi đua cùng về đích NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với nhiều cách làm hay, sáng tạo. Sau nhiều nỗ lực, huyện Thoại Sơn có 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao (14/14 xã), là địa phương đầu tiên hoàn thành xây dựng xã NTM nâng cao. Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, chung sức của các tầng lớp nhân dân.

Quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện Thoại Sơn luôn phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị

Hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối liên xã, liên vùng, liên huyện; đồng thời đang được đầu tư nâng cấp mở rộng. Cụ thể, theo chỉ tiêu 2.2 - tỷ lệ đường huyện được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa, có các hạng mục về an toàn giao thông theo quy định, được trồng cây xanh, bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp. Huyện có 12 tuyến đường với tổng chiều dài 143,8km, mặt đường nhựa từ 3,5 - 5,5m; nền đường 6,5m.

Trong đó, có 2 tuyến đường cấp V, dài 29,4km và 10 tuyến còn lại là đường cấp VI, hiện đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng đạt chuẩn đường cấp V đồng bằng. Công tác duy tu bảo dưỡng được thực hiện hàng năm và đang triển khai đầu tư đồng bộ các hạng mục đảm bảo an toàn giao thông cần thiết (biển báo, biển chỉ dẫn, gờ giảm tốc, lan can phòng hộ...) trên các tuyến.

Huyện Thoại Sơn chọn xã Thoại Giang thực hiện chính quyền điện tử để xây dựng mô hình xã NTM thông minh. Bởi, xã chuyển đổi số ở một số lĩnh vực, như: Giải quyết hành chính công trực tuyến ở bộ phận “một cửa” xã, lĩnh vực y tế, giáo dục và an ninh trật tự. Các ngành huyện phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai chuyển đổi số tập trung thí điểm ở xã Thoại Giang để đạt chuẩn xã NTM thông minh năm 2023. Đối với xã NTM kiểu mẫu, huyện chọn xã Định Thành và Vĩnh Trạch. Trong đó, xã Định Thành thực hiện về “Tổ chức sản xuất”, xã Vĩnh Trạch thực hiện về “Giáo dục” để làm điểm nhấn xã NTM kiểu mẫu.

Nỗ lực “về đích” huyện nông thôn mới nâng cao

“Tôi rất vui mừng và tự hào khi thấy sự đổi thay của quê hương qua từng ngày. Gắn bó trên vùng đất xã Vĩnh Phú nói riêng và huyện Thoại Sơn nói chung, hàng chục năm qua tôi luôn dõi theo sự phát triển của địa phương. Đoạn đường trục chính trên địa bàn xã Vĩnh Phú từ khi có chủ trương nâng cấp đến triển khai thực hiện, bà con chúng tôi rất ủng hộ.

Trong đó, có những hộ dù cuộc sống không dư dả nhưng tự nguyện di dời vật kiến trúc, hiến một phần đất trước nhà. Riêng gia đình tôi đã hiến khoảng 400m2 đất ở để tạo thuận lợi cho công trình hoàn thành sớm. Ngoài ra, tôi và gia đình thường xuyên đóng góp vật chất với mong muốn cùng chính quyền địa phương xây dựng, nâng chất xã NTM nâng cao” - ông Trần Hữu Thế (ngụ ấp Trung Phú 2, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn) phấn khởi chia sẻ.

Dù vậy, việc thực hiện các tiêu chí huyện NTM nâng cao vẫn gặp một số khó khăn, như: Việc huy động nguồn lực cho xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn xã hội hóa, vốn doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM, trong khi vốn ngân sách còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư của các địa phương; vốn huy động trong dân rất hạn chế do thu nhập của nông dân chưa ổn định, giá cả xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn trong chăn nuôi luôn biến động tăng cao...

Để khắc phục những khó khăn trên, trong chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM, huyện tiếp tục phát huy, kế thừa những thành quả đạt được và kinh nghiệm của thế hệ trước. Thường trực Huyện ủy tiếp tục phân công Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ phụ trách xã, ngành và lĩnh vực tập trung thực hiện tiêu chí xã NTM nâng cao, kiểu mẫu, thông minh và “Huyện NTM” nâng cao theo lộ trình năm 2023.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn Lê Văn Đà: “Với các tiêu chí huyện NTM nâng cao chưa đạt, huyện tập trung đưa ra giải pháp thực hiện trên tinh thần chọn các tiêu chí, chỉ tiêu ít vốn hoặc không cần vốn và gần đạt thực hiện trước; đối với tiêu chí, chỉ tiêu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, huyện đẩy nhanh việc xây dựng hồ sơ cơ bản và định hướng thực hiện phù hợp, kịp thời. Trong đó, trước hết tập trung thực hiện thường xuyên đối với một số lĩnh vực về quy hoạch, tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn để nâng cao thu nhập, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, chăm lo sức khỏe nhân dân...”.

Để sớm đạt huyện NTM nâng cao theo bộ tiêu chí mới ban hành, Huyện ủy, UBND huyện Thoại Sơn xác định, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Theo đó, một trong những giải pháp được đặt ra là cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng NTM theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất theo chuỗi giá trị; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, trong đó triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

PHƯƠNG LAN