Thổi hồn vào những bức tường

24/02/2022 - 06:10

 - Từ những bức tường vô tri, vô giác, thô ráp, vậy mà qua bàn tay khéo léo của những giáo viên mỹ thuật đã trở nên sống động, rực rỡ và bắt mắt. Không chỉ trở thành “nghề tay trái” kiếm thêm thu nhập, mà các giáo viên mỹ thuật đã và đang góp sức giúp học sinh xóa bỏ sự e ngại bằng những bức tranh trong nhà vệ sinh của trường học.

Vừa giúp trang trí nhà vệ sinh trường học, nghề vẽ tranh tường còn giúp các giáo viên mỹ thuật có thêm thu nhập từ chuyên môn của mình

Vẽ tranh lên tường

Đều là những giáo viên dạy mỹ thuật ở các trường học, các thầy cô mạnh dạn phát huy chuyên môn bằng cách làm thêm nghề vẽ tranh tường. Đây là cách làm vừa giúp các thầy cô có thêm không gian sáng tạo, nâng cao tay nghề, vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Thầy Nguyễn Tiến Dũng (giáo viên dạy mỹ thuật Trường Tiểu học Lương Định Của, phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) đã tham gia nhóm T.ART gần 5 năm. Nhóm T.ART là nhóm vẽ tranh tường do anh Nguyễn Đức Thành và Hình Tiến Thịnh sáng lập. Các thành viên trong nhóm T.ART đều là giáo viên mỹ thuật trong và ngoài tỉnh, có nhiều người còn là hội viên Hội Mỹ thuật tỉnh.

Theo thầy Dũng, nhóm T.ART không chỉ vẽ trong trường học mà còn hợp đồng thực hiện cho nhiều đối tượng khác, như: Quán cà phê, nhà hàng, nhà người dân… Hiện nay, nghề vẽ tranh tường là nghề thịnh hành, vì với một khoản kinh phí phù hợp đã có thể giúp tô điểm cho không gian từ trong nhà, cho đến ngoài trời trở nên bắt mắt, rực rỡ. Công việc vẽ tranh tường sẽ tính theo diện tích, từ 200.000-500.000 đồng/m2, tùy theo chi tiết nhiều hay ít.

Chủ đề khi vẽ thường được thực hiện theo yêu cầu của khách hàng hoặc nhóm sẽ gợi ý ý tưởng. Mỗi bức tranh được đánh giá đẹp, sống động đều tùy thuộc vào tay nghề của người vẽ. Khi thực hiện công việc, các thành viên trong nhóm được phân công cụ thể dựa trên kỹ năng của từng người. Chỉ có như vậy mới có thể phối hợp nhịp nhàng, hài hòa giữa các gam màu sáng, tối, bố cục sống động… Những nét vẽ đẹp, sống động và “có thần” của nghề vẽ tranh tường giúp giáo viên dạy mỹ thuật có thêm thu nhập, là động lực giúp các thầy cô không ngừng sáng tạo trong chuyên môn vì thể hiện được đam mê, phong cách của riêng mình.

Khi bắt đầu vẽ, anh Thịnh sẽ lên ý tưởng thiết kế cho khách hàng. Sau đó, các thành viên tập trung xử lý nền và tiến hành vẽ, tùy theo thể loại mà sẽ phác họa trước hoặc vẽ trực tiếp. Khi tham gia vào nhóm T.ART, được vẽ cùng với anh em, bản thân thầy Dũng rất phấn khởi khi được học tập, trao đổi kinh nghiệm cùng đồng nghiệp. “Các thành viên đều có nền tảng chuyên môn mỹ thuật nên khi bắt đầu công việc rất thuận lợi. Đôi lúc cũng gặp khó khăn ở việc quản lý không gian vẽ, bố cục, đặc biệt có những công trình phải leo 3-4 giàn giáo nên thời gian đầu hơi sợ” - thầy Dũng chia sẻ.

“Khoác áo mới” cho nhà vệ sinh trường học

Năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục tỉnh đã thực hiện thí điểm vẽ trang trí nhà vệ sinh ở một số trường tiểu học ở các địa phương. Thông qua hoạt động này, có thể giúp học sinh không còn e ngại mỗi khi nhắc đến nhà vệ sinh trong trường học. Ban đầu chỉ triển khai thực hiện ở một trường tiểu học ở mỗi huyện, thị xã, thành phố, sau khi ghi nhận hiệu quả và được ủng hộ đã đề xuất nhân rộng thêm ở các trường tiểu học, THCS, THPT. Đến nay, ngoài một số điểm trường thí điểm ban đầu đã có thêm rất nhiều trường học được Tổ bộ môn Mỹ thuật cấp tỉnh, phối hợp với các giáo viên mỹ thuật ở trường “khoác áo mới” cho nhà vệ sinh bằng những bức tranh sống động, rực rỡ sắc màu.

Thầy Trương Kỉnh Nhơn (giáo viên mỹ thuật Trường Tiểu học “A” thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn) cho biết, năm học 2021-2022, các tổ bộ môn cùng giáo viên mỹ thuật các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện việc vẽ trang trí nhà vệ sinh trường tiểu học. Tính đến nay, đã hoàn thành việc trang trí nhà vệ sinh cho 16/30 trường tiểu học trong huyện. Dự kiến, từ đây đến khi kết thúc năm học sẽ vẽ hoàn thành 14 trường tiểu học còn lại trong huyện. Chủ đề các bức vẽ, ngoài chim chóc, muông thú ra còn tập trung về vệ sinh môi trường, trò chơi dân gian dành cho thiếu nhi…

Đặc biệt, năm nay còn có những hình ảnh, khẩu hiệu nhắc nhở nhau cùng thực hiện tốt giải pháp "5K" về phòng, chống dịch COVID-19... Qua đó, mong muốn góp phần tạo môi trường thân thiện với học sinh, giúp các em không còn e ngại mỗi khi đến nhà vệ sinh trong trường học và loại bỏ hình ảnh xấu xí, mất thiện cảm về nhà vệ sinh trường học.

ÁNH NGUYÊN