Gia đình chị Châu Thị Nương nhiều năm gắn bó với đồng ruộng. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc canh tác lúa gặp khó. Nguyên nhân là do giá cả biến động thất thường; công ty không mua hết lúa cho nông dân, nếu có mua thì tiến độ rất chậm. Bên cạnh đó, thương lái ép giá, nông dân lợi nhuận thấp, cứ rơi vào vòng lẩn quẩn “trúng mùa, mất giá”. Vì vậy, gia đình chị Nương quyết định lựa chọn hướng đi mới để phát triển kinh tế.
Năm 2020, gia đình chị mạnh dạn đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, diện tích trên 1ha. Được sự hỗ trợ tích cực của ngành chuyên môn, chị lắp đặt 3.192 tấm pin năng lượng mặt trời. Tổng kinh phí đầu tư, lắp đặt hệ thống khoảng 14 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn được hỗ trợ 10 tỷ đồng (chiếm hơn 70%). Khi dự án hoàn thành, nguồn điện năng lượng mặt trời được gia đình chị bán lại cho công ty điện lực địa phương. Mỗi tháng, họ thu khoảng 300 triệu đồng.
Cũng trong năm 2020, nhận thấy toàn bộ diện tích bề mặt dưới công trình điện năng lượng mặt trời còn để trống, gây lãng phí, gia đình chị tìm hiểu, quyết định đầu tư sản phẩm nấm mối, nấm linh chi theo hướng công nghệ cao. Ban đầu, chị Nương đầu tư trại nhỏ sản xuất nấm.
Thiếu kinh nghiệm, nấm bị bệnh và hư hỏng khá nhiều. Không nản chí, chị Nương lặn lội khắp nơi, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tham khảo thêm từ sách, báo, chuyên gia… Quá trình học hỏi và ý chí quyết tâm không những mang lại thành công cho chị, mà còn giúp năng suất nấm tăng qua mỗi vụ.
Hiện nay, gia đình chị Nương canh tác nấm mối, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo. Chị Nương cho biết, nguyên liệu sản xuất nấm dễ tìm, như: Mùn cưa, rơm rạ, gỗ mục, cám bắp, cám gạo... Nhờ mái che có sẵn, chỉ cần đầu tư thêm khung sắt, giúp tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, mái che là tấm pin năng lượng mặt trời còn giúp giảm bớt việc tưới tiêu, ổn định trước mưa gió. Ngoài ra, nguồn điện mặt trời được sử dụng cho sản xuất nấm, góp phần giảm giá thành sản phẩm.
Cũng theo chị Nương, các loại nấm trên tương đối dễ trồng, chỉ cần bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng thích hợp sẽ phát triển tốt, đạt năng suất cao. “Chu kỳ sinh trưởng của các loại nấm ăn và dược liệu tương đối ngắn, khoảng 4 tháng/vụ; vòng quay vốn nhanh nên có thể ngừng sản xuất bất kỳ lúc nào khi thời tiết không thuận lợi, từ đó hạn chế tối đa rủi ro. Mặt khác, việc sơ chế nấm không phức tạp, phù hợp với trình độ lao động ở nông thôn” - chị Nương chia sẻ.
Mỗi vụ, chị Nương xuống giống khoảng 20.000 bịch phôi nấm mối và 10.000 phôi nấm linh chi. Mỗi tháng, chị xuất ra thị trường từ 2 - 3 tấn nấm các loại. Giá nấm linh chi dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg. Trong khi đó, nấm mối có giá khoảng 250.000 đồng/kg. Với mức giá này, gia đình chị thu về 800 - 900 triệu đồng/năm. Đặc biệt, nhờ sản xuất theo quy trình sạch nên nấm mối và nấm dược liệu được xuất đi nhiều nơi, như: An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, TP. Cần Thơ…
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nấm của người dân tăng cao, thị trường ngày càng lớn. Kỹ thuật trồng đơn giản, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có; thu hoạch sớm, giá bán cao nên gia đình chị Nương nhân rộng mô hình tại phường Thới Sơn (TX. Tịnh Biên), diện tích 1,5ha. Từ việc trồng nấm, gia đình chị Nương tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, vào lúc cao điểm, chị Nương phải thuê thêm từ 20 - 30 lao động, thù lao 250.000 - 300.000 đồng/ngày.
Trồng nấm nói riêng, phát triển sản xuất nông nghiệp dưới công trình điện mặt trời nói chung đang là điểm sáng trong phát triển kinh tế. Không chỉ giúp tăng giá trị sử dụng đất, mô hình còn tạo cơ hội cho nông dân thêm thu nhập, tiếp cận nguồn năng lượng sạch và bền vững, góp phần bảo vệ môi trường.
ĐỨC TOÀN