Tích cực phát triển hạ tầng
Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục báo cáo, giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên họp.
Đặt vấn đề chất vấn tại hội trường, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết trong quy hoạch phát triển đô thị nước ta, xây dựng hạ tầng cấp thoát nước, giao thông… đã cập nhật như thế nào các kịch bản biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và hướng giải quyết ra sao cho một quốc gia đất hẹp, người đông như nước ta.
Đại biểu cũng chất vấn Thủ tướng về chiến lược, giải pháp để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược quan trọng.
Về chiến lược về phát triển hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, nước ta có hạ tầng chiến lược, bao gồm cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng về giao thông, hạ tầng về chống biến đổi khí hậu đến hạ tầng về xã hội, y tế, giáo dục.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 5/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Thủ tướng cho biết, hiện nay, cả hệ thống đang tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng. Nhiệm kỳ này, Chính phủ đã dự kiến bố trí ngân sách đầu tư cho hạ tầng gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước.
“So với trước, dự kiến dành 165 nghìn tỷ đồng, nhưng chỉ huy động được 134 nghìn tỷ đồng, song trong nhiệm kỳ này đã bố trí được 470 nghìn tỷ đồng, cao gấp 3 lần”, Thủ tướng nêu rõ.
Cho rằng cần phải tăng cường hợp tác công tư để phát triển hạ tầng giao thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thông tin, sắp tới, Chính phủ sẽ tổng kết việc thực hiện các dự án BOT thời gian qua, từ đó xin ý kiến cấp có thẩm quyền để ban hành chính sách thúc đẩy hạ tầng giao thông.
“Chính phủ đang tổng kết vấn đề thực hiện BOT, nghiên cứu thêm về BT để xin ý kiến các cấp có thẩm quyền để thực hiện. Có như vậy mới phát triển được hạ tầng giao thông và hạ tầng chiến lược nói chung”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các Phó Chủ tịch Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, vì vậy cần nhận thức và hành động tương xứng với tác động, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
“Vừa qua, Chính phủ đã đề nghị các bộ, ngành khảo sát lại việc biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến đất nước ta, nhất là những vùng trọng điểm như đồng bằng sông Cửu Long, miền trung, sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc”, Thủ tướng nói, đồng thời đặt vấn đề cần xây dựng thể chế như việc chuyển đổi năng lượng cần xây dựng luật chuyển đổi này như thế nào.
Ngoài ra, vấn đề bảo đảm các nguồn lực theo Thủ tướng cũng rất quan trọng. Theo Thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ quan tâm, dành nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu, không chỉ huy động nguồn lực của nhà nước mà còn huy động nguồn lực theo phương thức đối tác công tư.
Đồng thời, Thủ tướng cũng cho rằng, cần tăng cường chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, hợp tác quốc tế, cũng như tăng cường quản trị, trong đó quan trọng là quản trị quốc gia.
Tập trung 3 động lực tăng trưởng
Liên quan chất vấn của đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) và Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị Thủ tướng cho biết bài học phục hồi kinh tế, duy trì tăng trưởng sau Covid-19, Thủ tướng cho biết, Việt Nam có 3 nền tảng vĩ mô là tăng trưởng, chống lạm phát, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Vừa qua, Việt Nam kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Theo Thủ tướng, bằng các giải pháp khác nhau, Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu này.
Trong bối cảnh nguồn vốn có hạn, Thủ tướng cho rằng nên tập trung vào 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, đồng thời khẳng định đó là quan điểm và giải pháp lớn để đất nước có được thành quả như hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ, việc chống dịch trong hơn 2 năm qua là “chưa có tiền lệ, không dự báo được và mất nhiều công sức” để kiểm soát, đến nay vẫn chưa thể dành được thời gian để tổng kết. Nhưng trong quá trình chống dịch, Việt Nam đã rút ra một số bài học kinh nghiệm để đưa ra giải pháp ứng phó với tình hình mới.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ 3 trụ cột chính trong quá trình chống dịch là xét nghiệm-cách ly-điều trị, đồng thời đưa ra được công thức chống dịch 5K+vaccine+thuốc+điều trị+công nghệ+ý thức của người dân.
Theo Thủ tướng, trong giai đoạn đầu khi chưa tiếp cận được vaccine, chưa hiểu biết hết được về virus, chúng ta đã buộc phải dùng biện pháp hành chính. Sau đó, với việc thúc đẩy tiếp cận vaccine, Việt Nam đã xây dựng chiến lược vaccine cùng với ý thức người dân là 2 thành tố quan trọng, từ đó đẩy lùi được dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, với quan điểm chống dịch “đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết” và “chống dịch từ sớm, từ xa”, có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè quốc tế, nước ta đã thành công.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, thời gian tới, cần tiếp tục tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm, trong đó bài học được rút ra trong quá trình phòng, chống dịch trước tiên là hoàn thiện thể chế.
"Hoàn thiện thể chế là vấn đề chúng ta cần phải thúc đẩy" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
“Chúng ta thiết kế luật pháp phải bám sát vào thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, xuất phát từ thực tiễn, nhưng pháp luật bao giờ cũng trễ hơn so với thực tiễn, cho nên khi chúng ta gặp phải đại dịch như vậy, nhưng cũng rất may Quốc hội rất sáng suốt khi ban hành Nghị quyết 30 kịp thời xử lý vấn đề có liên quan đến thể chế, sau đó Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp tục thể chế ra để làm tiếp. Như vậy, hoàn thiện thể chế là vấn đề chúng ta cần phải thúc đẩy”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho rằng, những giải pháp cần tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới bao gồm củng cố yếu tố con người, tăng cường nguồn lực, đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, cũng như đẩy mạnh phát triển cơ sở vật chất và hợp tác quốc tế.