Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Lãnh đạo Tập đoàn AEON (Nhật Bản).
Tại buổi tiếp Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON Akio Yoshida, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc AEON đầu tư, làm ăn hiệu quả tại Việt Nam thời gian qua.
Chủ tịch Tập đoàn AEON cho biết, đến nay Việt Nam là nước AEON đầu tư lớn nhất trên thế giới, với hơn 1,18 tỷ USD; AEON đã mở 6 trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế…; bày tỏ cảm ơn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ Tập đoàn làm ăn thuận lợi tại Việt Nam.
Cảm ơn những lời nói tốt đẹp của Chủ tịch AEON, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục mở rộng hệ thống AEON tại Việt Nam vì những lý do sau; Việt Nam xác định tiêu dùng là một trong ba động lực tăng trưởng, nhất là hiện nay, tiêu dùng có vai trò quan trọng trong đất nước 100 triệu dân; Việt Nam có dân số trẻ, tầng lớp trung lưu chiếm tỷ lệ cao; quan hệ Việt Nam với Nhật Bản hết sức tốt đẹp, người Việt Nam rất ưa chuộng hàng hóa của Nhật Bản; hàng hóa của Việt Nam có thế mạnh là lương thực, thực phẩm, dệt may, da giày… có thể đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu của AEON; Việt Nam đang tập trung phát triển xanh, xanh hóa các sản phẩm phù hợp xu thế tiêu dùng chung của thế giới trong thập kỷ tới đây. Đây là những yếu tố nền mà AEON nên mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng mong Tập đoàn tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại những tỉnh, thành phố lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… nghiên cứu mở thêm cả những outlet, một số dịch vụ mới. Hiện nay, giao thông thuận lợi hơn nên AEON có thể tính mở những trung tâm thương mại, dịch vụ ở ngoại thành, xa khu đô thị lớn mà vẫn thu hút được đông đảo người dân đến mua sắm, vui chơi giải trí.
Thủ tướng đề xuất AEON có thể nghiên cứu đầu tư ở Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu vì đây là 2 địa phương có thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất cả nước, lại là trung tâm du lịch lớn của cả nước; ngoài ra có thể là: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tây Nguyên, Khánh Hòa, Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng mong Tập đoàn tiêu thụ mạnh hơn nữa các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh để đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu của AEON. Việt Nam đang xây dựng thương hiệu cho các loại sản phẩm này, đồng thời nỗ lực giảm chi phí sản xuất, đầu tư mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistics. Thủ tướng mong AEON coi Việt Nam là cứ điểm của Tập đoàn, đồng thời qua đó góp phần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.
Cảm ơn những lời khuyên bổ ích của Thủ tướng, Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON Akio Yoshida đánh giá, thị trường Việt Nam là một trong những thị trường mà AEON đổ vốn nhiều nhất vào; ở Nhật Bản có hơn 20 nghìn siêu thị, trung tâm thương mại ở Nhật Bản, cho nên có nhiều cơ hội cho tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam. Ngay tuần sau, AEON tổ chức tuần lễ hàng Việt Nam.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Giáo sư Mitsuo Ochi, Hiệu trưởng Đại học Hiroshima, ông Matsumoko Kazuhisa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Satake, ông Yamassaka Tetsuro, Chủ tịch Tập đoàn Balcom và lãnh đạo 7 doanh nghiệp khu vực Trung Nam Nhật Bản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Giáo sư Mitsuo Ochi, Hiệu trưởng Trường Đại học Hiroshima.
Thay mặt đoàn, Giáo sư Mitsuo Ochi, Hiệu trưởng Trường Đại học Hiroshima đã trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhân lực, phát triển đô thị thông minh, trung hòa carbon, phát triển chất bán dẫn, số hóa nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, xây dựng quy chuẩn sản xuất lúa gạo, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn…
Giáo sư Mitsuo Ochi mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương của Việt Nam để tổ chức các đoàn doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực này. Hiệu trưởng Trường Đại học Hiroshima cũng đánh giá cao các lưu học sinh Việt Nam cũng như nguồn nhân lực của Việt Nam nói chung, cho biết đến nay, đã có 343 người Việt Nam tốt nghiệp từ trường.
Thủ tướng hoan nghênh hoạt động hợp tác của Đại học Hiroshima với Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nhân lực - một trong các đột phá chiến lược của Việt Nam; cũng như các hoạt động hợp tác các doanh nghiệp khu vực Trung Nam Nhật Bản với Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà Nhật Bản có kinh nghiệm, thế mạnh, và Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng.
Việt Nam và Nhật Bản đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước tới nay, trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng và truyền thống giao lưu, hợp tác từ hàng trăm năm trước. Thời gian qua, lượng người Việt Nam tại Nhật Bản tăng nhanh, hiện đã đạt gần 500 nghìn người.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ hai nước luôn ủng hộ các hoạt động hợp tác giữa hai nước, trong đó có các hoạt động hợp tác của doanh nghiệp, ngày càng thực chất và hiệu quả.
Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của Đại học Hiroshima và các doanh nghiệp khu vực Trung Nam Nhật Bản để thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực: nông nghiệp, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, bệnh viện tư nhân.... Thủ tướng mong muốn Đại học Hiroshima nghiên cứu, mở các cơ sở đào tạo, phân hiệu tại Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp khu vực Trung Nam Nhật Bản tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka và các bộ, ngành, cơ quan liên quan sớm hiện thực hóa các ý tưởng hợp tác, đầu tư, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Chính phủ cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và các doanh nghiệp khu vực Trung Nam Nhật Bản nói riêng trong quá trình hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí Mitsui (MOECO) Hirotaka Hamamoto.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí Mitsui (MOECO) Hirotaka Hamamoto.
Mitsui (1947) là tập đoàn đầu tư kinh doanh và thương mại trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, năng lượng, thiết bị, hóa chất, thực phẩm, dệt may và tài chính trên toàn thế giới. Năm 2022, tập đoàn ghi nhận mức lợi nhuận đạt 8 tỷ USD, với hơn 46.000 nhân viên trên toàn cầu.
MOECO là công ty con của tập đoàn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí. Đến nay, công ty đã có hoạt động tại một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Thái Lan, Indonesia, Oman, Vương quốc Anh.
Tại Việt Nam, MOECO là thành viên liên doanh các nhà đầu tư dự án khí Lô B - Ô Môn (dự án thượng nguồn và dự án đường ống dẫn khí). Chuỗi dự án khí Lô B (gồm các khâu thượng nguồn (nhà máy khí), đường ống và hạ nguồn (nhà máy điện) có tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ USD. Khí tự nhiên từ Lô B sẽ cung cấp cho 4 nhà máy điện gồm: Ô Môn I, II, III và IV trên 20 năm. Khi đi vào vận hành, các nhà máy điện Ô Môn này sẽ cung cấp điện với tổng công suất khoảng 3.800 MW, đóng góp quan trọng vào an ninh năng lượng quốc gia.
Tại cuộc tiếp, ông Hirotaka Hamamoto đã cập nhật tình hình triển khai dự án khai thác khí Lô B; đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy dự án khai thác khí Lô B trong tháng 6/2023 theo tinh thần được Thủ tướng nhiều lần chia sẻ là “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Các bên liên quan đang phối hợp, đưa ra quyết định đầu tư trong tháng 6/2023 và dự kiến bắt đầu khai thác khí từ cuối năm 2026. Ông cảm ơn, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực, đề xuất của MOECO và các đối tác liên doanh trong việc triển khai thực hiện, thúc đẩy dự án khí Lô B. Đây là dự án trọng điểm, có quy mô đầu tư lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Thủ tướng cho biết rất quan tâm dự án này, đã 3 lần vào Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn trong 2 năm qua; đến nay, các vướng mắc kéo dài 20 năm qua về cơ bản đã tìm được phương án giải quyết, Thủ tướng sẽ tiếp tục chỉ đạo các giải pháp nhằm sớm xử lý dứt điểm các vướng mắc này.
Thủ tướng đề nghị MOECO tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan liên quan để triển khai dự án, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Thủ tướng cho biết, ngày 15/5 vừa qua, Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), trong đó đặt ra mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Thủ tướng đề nghị Mitsui nghiên cứu, có lộ trình đầu tư, hỗ trợ thu hút đầu tư cho chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
Chính phủ cam kết hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và Mitsui nói riêng triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
Theo THANH GIANG (Báo Nhân Dân)