Trang trại chăn nuôi bò sữa của hộ nông dân ở Hà Nam. (Ảnh VŨ SINH)
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện thành phố đang tập trung cơ cấu lại chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm với các đối tượng nuôi chủ lực; phát triển 76 xã chăn nuôi sản phẩm chính, gồm: 15 xã chăn nuôi bò sữa ở: Ba Vì, Quốc Oai; 19 xã chăn nuôi bò thịt tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Mê Linh, Gia Lâm; 13 xã chăn nuôi lợn; 29 xã chăn nuôi gia cầm.
Thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất gắn kết với các trang trại chăn nuôi để cùng đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm, ký kết hợp tác với các tỉnh, thành phố bảo đảm mục tiêu về tiêu thụ sản phẩm rõ nguồn gốc. Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 7.500 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ; trong đó, có 110 trang trại lớn, 1.609 trang trại vừa, 5.809 trang trại nhỏ.
Có 557 trang trại sử dụng hệ thống chuồng trại khép kín; 26 trang trại sử dụng dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 857 trang trại ứng dụng công nghệ cao trong xử lý môi trường. Thông tin thêm về vấn đề này, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) Đặng Đình Tiên cho biết, công ty đã đầu tư xây dựng 8 chuồng trại hiện đại với quy mô chăn nuôi 150.000 gà đẻ thương phẩm và liên kết với 15 trang trại của các hộ chăn nuôi tại địa phương, mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 3 triệu quả trứng chất lượng tốt.
Dựa trên đặc thù và vật nuôi chính của mỗi nơi, cả nước hiện đang tập trung phát triển chăn nuôi ở các vùng: Đồng bằng sông Hồng, miền núi trung du, Bắc Trung Bộ và ven biển miền trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời tiếp tục tái cơ cấu ngành chăn nuôi, thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp bối cảnh mới; phát huy thế mạnh của từng vùng, từng vật nuôi chủ lực, theo định hướng thị trường; nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững.
Chế biến thực phẩm ở Công ty TNHH chế biến thực phẩm DABACO (Bắc Ninh). (Ảnh TRẦN HẢI)
Bên cạnh đó, để tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, việc xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh trong thời gian qua cũng được các địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi chú trọng thực hiện. Đến nay, đã có hơn 3.700 lượt cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tại hơn 50 tỉnh, thành phố và cấp cơ sở được chứng nhận an toàn dịch bệnh .
Sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều thị trường, đơn cử như thịt gà chế biến xuất khẩu sang bảy quốc gia và vùng lãnh thổ. Sữa và sản phẩm sữa có mặt ở gần 50 nước, nhất là thị trường Trung Quốc có tiềm năng rất lớn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 5/2022 ước đạt 32,4 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 139 triệu USD; trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 46 triệu USD, thịt và phụ phẩm dạng thịt, phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 36 triệu USD...
Tuy nhiên, việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sang các nước hiện chưa tương xứng với tiềm năng, bởi tổng đàn vật nuôi của cả nước lớn, trong khi đó phần lớn được nuôi theo hình thức truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, chưa bảo đảm an toàn về dịch bệnh. Việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm tại các nông hộ gặp nhiều khó khăn do lực lượng thú y cơ sở “mỏng”. Tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết phức tạp như nắng nóng, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn; vi-rút gây bệnh lưu hành rộng rãi, khiến phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Công tác giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời, chính quyền và các cơ quan chuyên môn đôi lúc vẫn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, để người dân bán chạy động vật mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh. Cơ sở hạ tầng trong các vùng quy hoạch chăn nuôi, giết mổ tập trung còn thiếu, chưa đồng bộ… Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, để xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp cần hướng tới việc xây dựng thành công các chuỗi sản xuất, vùng chăn nuôi đạt yêu cầu an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới và nước nhập khẩu.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh mô hình chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi liên kết khép kín. Có thêm các chính sách ưu đãi, sát hợp thực tế nhằm khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào sản xuất, nhất là khâu chế biến nhằm đa dạng hóa chủng loại mặt hàng. Phấn đấu đến năm 2030, ngành chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á, sản phẩm chăn nuôi đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.
Theo ANH QUANG (Nhân Dân)