Mô hình trồng dưa trong nhà màng với công nghệ cao tại huyện Tân Uyên, Lai Châu. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN
Ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện quyết định này, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thay đổi quy trình sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, thay đổi quản trị sản xuất bằng nông nghiệp số để tiệm cần dần các tiêu chuẩn của thế giới, đồng thời góp phần gia tăng giá trị sản phẩm.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2020 - 2023, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu tạo ra 148 giống cây trồng các loại được công nhận. 36 tiến bộ kỹ thuật được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận phục vụ sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. 9 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu nông sản đạt 38,48 tỷ USD, trong đó, trồng trọt là 19,54 tỷ USD, chiếm khoảng 50,8% giá trị xuất khẩu của ngành Nông nghiệp.
Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, cần lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn ngành, tạo “làn sóng” đổi mới sáng tạo trên cả nước để ngành Nông nghiệp phát triển “xanh” và bền vững.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã phối hợp với mạng lưới đổi mới sáng tạo nông nghiệp lớn nhất toàn cầu - CGIAR (Tổ chức Tư vấn quốc tế về Nghiên cứu Nông nghiệp) thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp và triển khai các dự án phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và chuyển đổi hệ thống thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ đã phối hợp với Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực hiện dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam (GIC Việt Nam) nhằm thúc đẩy và tăng cường năng lực áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo và những mô hình kinh tế có tính cạnh tranh thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. GIC Việt Nam đặt trọng điểm vào những đổi mới sáng tạo phù hợp với nhu cầu thị trường như thúc đẩy các giống lúa có nhu cầu cao, các tiêu chuẩn nông nghiệp cải tiến, tuân thủ an toàn thực phẩm và chứng nhận chất lượng, cung cấp dịch vụ cho các nông hộ nhỏ theo định hướng kinh doanh; triển khai các sáng kiến nhằm giảm thiểu tác động môi trường trong nông nghiệp…
Để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, khoa học và công nghệ được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IoT); sáng kiến ứng dụng hệ thống cảnh báo, ứng dụng di động… để hỗ trợ nông dân quản lý và truy xuất nguồn gốc, tiếp cận thông tin thị trường, bán hàng trực tuyến, sàn giao dịch điện tử. Đồng thời hỗ trợ kết nối giữa các nhà sản xuất với khách hàng trong và ngoài nước, lồng ghép với các giải pháp đổi mới sáng tạo… tạo ra các mô hình thúc đẩy hiệu quả đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp cả nước.
Nhà vườn của Công ty cổ phần Hoa nhiệt đới Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La chăm sóc cây hoa theo quy trình ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: TTXVN phát
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, Việt Nam đã định hướng phát triển trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững trong thời gian tới. Vì vậy, Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng “xanh”, ít phát thải và bền vững thông qua việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp và nhân rộng mô hình hợp tác công tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là “đòn bẩy” phát triển kinh tế xanh và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của hệ thống thực phẩm toàn cầu. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được xác định là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao mới thực hiện riêng lẻ ở từng khâu sản xuất chứ chưa thực hiện đồng bộ, toàn diện cả quá trình hay chuỗi giá trị sản phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương sẽ từng bước hình thành các chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học và công nghệ từ khâu sản xuất giống, canh tác đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, Bộ tập trung triển khai hiệu quả Chương trình OCOP với chất lượng cao hơn, quy mô lớn hơn, gắn với hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương thiệu để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ thông tin; quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản càng cao; cùng với diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu trong khi dân số tăng nên nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên… là những thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu trên toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, kinh tế xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia. Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để xanh hóa nền kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là "đòn bẩy", là giải pháp trọng tâm, đối với Việt Nam nói chung, ngành Nông nghiệp nói riêng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, cần chú trọng phát triển công nghệ cao, ứng dụng công nghệ vào chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, chủ trương phát triển kinh tế xanh hay xanh hóa nền kinh tế Việt Nam cần song hành với tiến trình chuyển đổi số quốc gia trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến từ AI, Blockchain, IoT... trong việc xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ thông minh, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế".
Theo TTXVN