Thúc đẩy khoa học và công nghệ tại vùng trọng điểm miền trung

02/06/2024 - 08:49

Nhiều địa phương đã xác định và có những quyết sách cho việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, để KH và CN trở thành động lực, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm phát triển thị trường KH và CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp...

Sản xuất ống thép tại Công ty cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường (Đà Nẵng).

Sản xuất ống thép tại Công ty cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường (Đà Nẵng).

Đến nay các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ KH và CN và đổi mới sáng tạo để tạo sự bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; ưu tiên nguồn lực, hợp tác quốc tế về phát triển KH và CN và đổi mới sáng tạo.

Hình thành và phát triển thị trường KH và CN

Giai đoạn 2019-2023, thành phố Đà Nẵng đã ban hành, sửa đổi, bổ sung 53 văn bản trong lĩnh vực KH và CN và đổi mới sáng tạo. Các văn bản mới ban hành đã có tác động tích cực đến việc hình thành và phát triển thị trường KH và CN thành phố, như: chính sách đặc thù của thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; chính sách về hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách phát triển tài sản trí tuệ và hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, quy định về quản lý nhiệm vụ KH và CN, giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa...

Phó Giám đốc Sở KH và CN Đà Nẵng Lê Thị Thục cho biết thêm, hiện tại thành phố đang phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chính sách đặc thù trình Quốc hội, trong đó có các chính sách đặc thù về KH và CN và đổi mới sáng tạo, như nhóm các chính sách miễn thuế; chính sách hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; chính sách phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Các nội dung chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua và sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp của thành phố Đà Nẵng cho rằng, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền đã góp phần phát triển nguồn cung hàng hóa KH và CN từ các viện, trường và gia tăng nhu cầu, năng lực tiếp cận, hấp thu và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp trên địa bàn. Các chính sách đã xác định mục tiêu lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo liên kết, kết nối cung-cầu công nghệ, phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và thúc đẩy phát triển thị trường KH và CN.

Đến nay các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo sự bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; ưu tiên nguồn lực, hợp tác quốc tế về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo (Bộ KH và CN) chia sẻ: Ngoài nguồn kinh phí sự nghiệp KH và CN của thành phố hằng năm, thông qua hoạt động nghiên cứu của các trường, viện trên địa bàn, đã huy động được nguồn kinh phí tương đối lớn cho hoạt động nghiên cứu, trong đó nổi bật như: Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên đã huy động kinh phí hơn 126 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu khoa học (trong đó, nguồn ngân sách của đơn vị là hơn 42 tỷ đồng, nguồn ngân sách trung ương là hơn 59 tỷ đồng và nguồn ngân sách tài trợ, hỗ trợ khác). Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V đã huy động nguồn ngân sách hỗ trợ từ Bộ Giao thông vận tải thực hiện chín nhiệm vụ KH và CN cấp bộ với tổng kinh phí 4,1 tỷ đồng. Đây cũng là nguồn hỗ trợ ngoài ngân sách sự nghiệp KH và CN thành phố, góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng, tạo nguồn cung quan trọng cho thị trường trên địa bàn thành phố.

So với thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam nổi danh là vùng đất khó cả về khí hậu lẫn địa hình đã nỗ lực vươn lên trở thành tỉnh trung bình khá của cả nước, trong đó KH và CN có đóng góp không nhỏ. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành nghị quyết về quy định nội dung và mức chi hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn giai đoạn 2021-2025; phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ KH và CN về quỹ gien tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025; kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng dựa trên nền tảng KH và CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn... đã làm cho thị trường KH và CN của tỉnh có những chuyển biến rõ rệt. Quảng Nam đang thực hiện quản lý chín nhiệm vụ KH và CN cấp quốc gia, gồm sáu dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, một nhiệm vụ KH và CN độc lập cấp quốc gia có đối ứng kinh phí của tỉnh, hai nhiệm vụ KH và CN thuộc Chương trình phối hợp giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đến nay, một số chương trình đã đem lại hiệu quả.

Ông Nguyễn Phi Thạnh, Giám đốc Sở KH và CN tỉnh Quảng Nam đánh giá, nhìn chung, hoạt động KH và CN tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua đã triển khai theo đúng kế hoạch. Các đơn vị đã tập trung ứng dụng các công nghệ tiên tiến góp phần phát triển sản xuất, tạo thu nhập cho người dân; chú trọng nghiên cứu các vấn đề về thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học ở các vùng; ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến ở các lĩnh vực; nghiên cứu ứng dụng tiến bộ, công nghệ sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nghiên cứu bào chế một số sản phẩm từ dược liệu; nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý và các lĩnh vực xã hội, nhân văn... Các chính sách hỗ trợ phát triển KH và CN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực cho việc phục hồi kinh tế của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân sau đại dịch Covid-19.

Thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm KH và CN

Phó Giám đốc Sở KH và CN Đà Nẵng Lê Thị Thục cho biết thêm, hiện nay, các doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư thực hiện các nhiệm vụ KH và CN không sử dụng ngân sách nhà nước. Từ các kết quả của doanh nghiệp tự đầu tư nghiên cứu được sở đánh giá, cấp giấy xác nhận để làm cơ sở hình thành các doanh nghiệp KH và CN. Đáng chú ý trong đó có một số kết quả nghiên cứu tiêu biểu: Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học-kỹ thuật và công nghệ (với 47 nhiệm vụ, trong đó 29 nhiệm vụ đã nghiệm thu), tập trung nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Được biết, ngoài hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được quản lý thông qua Sở KH và CN Đà Nẵng, các trường, viện trên địa bàn thành phố cũng đã huy động kinh phí hỗ trợ từ các nguồn khác nhau để đầu tư cho công tác nghiên cứu tại đơn vị. Nổi bật như: Đại học Đà Nẵng đã có 1.905 công trình khoa học công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế, thực hiện 34 nhiệm vụ hợp tác với doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và hợp tác chuyển giao công nghệ đối với 327 sản phẩm; Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã thực hiện các đề tài KH và CN do Quỹ Khoa học Murata tài trợ; Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V thực hiện chín đề tài KH và CN cấp Nhà nước do Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho biết: Hoạt động liên kết, kết nối cung-cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ khó khăn và phức tạp, vì vậy, thành phố chú trọng phát triển các tổ chức KH và CN công lập như: Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kết nối nguồn lực, cung cấp các dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ.

Đáng chú ý, sàn giao dịch công nghệ-thiết bị (Techmartdanang.vn) giúp các doanh nghiệp đăng ký, đăng tin giới thiệu và quảng bá sản phẩm công nghệ-thiết bị được triển khai. Sau thời gian triển khai, sàn giao dịch công nghệ-thiết bị đã thực hiện việc tinh lọc các doanh nghiệp và sản phẩm không mang hoặc ít hàm lượng công nghệ, đến nay, có tổng cộng 170 doanh nghiệp Đà Nẵng hoạt động trên sàn với hơn 200 công nghệ và thiết bị được quảng bá.

Tính đến giữa tháng 5/2023, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 37.498 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 244.637 tỷ đồng, đây là nguồn cầu công nghệ chính của thành phố... Bên cạnh đó, hoạt động kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các đối tác quốc tế đã được đẩy mạnh thông qua các chương trình hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng và các đối tác ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm 2024, tỉnh Quảng Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ "Đưa KH và CN gắn với doanh nghiệp", đây là chủ trương lớn nhằm đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hàng hóa, thương mại hóa sản phẩm KH và CN, phát triển tài sản trí tuệ. Theo đó, tập trung thực hiện cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; nghiên cứu phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực. Mặt khác, đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực được quy định. Triển khai có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ hoạt động KH và CN để góp phần thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh cũng như triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Quảng Nam đến năm 2030; Kế hoạch Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2025...

Góp ý về hoạt động KH và CN của các tỉnh, thành phố trọng điểm khu vực miền trung, Thứ trưởng KH và CN Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, các tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm phát triển thị trường KH và CN; xây dựng và lồng ghép nhiệm vụ liên quan phát triển thị trường KH và CN vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của ngành/đơn vị; hình thành và phát triển hạ tầng kỹ thuật số thị trường KH và CN; phát triển nguồn cầu của thị trường KH và CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ thông qua việc tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, các sản phẩm công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, tổ chức/doanh nghiệp, nhà khoa học...

Bộ KH và CN sẽ có các chính sách hỗ trợ việc thành lập và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH và CN như: Sàn giao dịch công nghệ, trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ, trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo... và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của các tổ chức, cá nhân, nhất là các trường đại học, viện nghiên cứu; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển KH và CN để đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ. Bộ sẽ có cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc định giá tài sản là kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và quản lý tài sản sau khi giao quyền, kết thúc nhiệm vụ...

Theo TTXVN