Nhiều nông sản Quảng Trị được người tiêu dùng biết đến nhờ sàn thương mại điện tử.
Theo thống kê, đến nay, Quảng Trị có hơn 35.400/46.000 hộ sản xuất nông nghiệp cung cấp thông tin nông sản lên các sàn giao dịch điện tử. Thông qua sàn giao dịch điện tử, những mặt hàng nông sản sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, xếp hạng OCOP... được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ rộng khắp ở các thị trường trong nước và nước ngoài.
Nâng tầm giá trị nông sản
Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, huyện Cam Lộ xác định cây dược liệu là hướng đi mũi nhọn và xây dựng thành vùng nguyên liệu tập trung. Đến nay, toàn huyện có hơn 200 ha cây dược liệu các loại, được đánh giá là có nhiều dược tính nên được Ủy ban nhân dân huyện và các doanh nghiệp quảng bá rộng khắp.
Bà Mai Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy cho biết: Năm nay, nhờ đưa bán sản phẩm lên các sàn điện tử Lazada, Shopee, Postmart.vn nên doanh thu của công ty cao hơn so với những năm trước. Sản phẩm đưa ra thị trường được tiêu thụ tốt, khách hàng trong cả nước biết đến cao dược liệu Mai Thị Thủy nhiều hơn.
Một sản phẩm khác của Cam Lộ là hạt tiêu Cùa có vị cay nồng, thơm, được chứng nhận OCOP 4 sao. Tuy nhiên, tiêu Cùa vẫn chưa được nhiều người biết đến, vì vậy, huyện đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội. Nhờ đó, tiêu Cùa đã được nhiều người biết đến và xuất bán với số lượng ngày càng nhiều hơn.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tiêu Cùa Trần Hà cho biết: Thông qua sàn giao dịch của Postmart.vn, tiêu Cùa được nhiều người trong nước biết đến nên đầu ra sản phẩm tốt hơn những năm trước đây. Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đã góp phần tăng khả năng kết nối, tiêu thụ sản phẩm, từ đó tăng thu nhập cho người dân.
Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị là đơn vị đầu tiên phối hợp Bưu điện tỉnh tổ chức đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Đến nay, tỉnh có hơn 60 gian hàng, với 350 sản phẩm nông nghiệp của hơn 70 nhà cung cấp được lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Đây là cơ hội để các địa phương đưa sản phẩm thuộc đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nông sản của địa phương tiếp cận gần hơn với thị trường trong và nước ngoài.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị Trần Văn Bến khẳng định, sàn thương mại điện tử đã giúp tăng khả năng kết nối, tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh phấn đấu kết nối với hơn 10.000 hộ nông dân với đầy đủ các thông tin cần thiết để giao dịch toàn diện trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh sẽ phối hợp các đơn vị tổ chức trưng bày gian hàng sản phẩm xanh, tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị… Đây cũng là một bước trong quá trình thực hiện chuỗi giá trị liên quan đến tiêu thụ đầu ra nông sản cho nông dân.
Để các mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng vững được tại các thị trường khó tính nước ngoài, nhiều doanh nghiệp ở Quảng Trị đã đồng hành với người dân trong việc trồng, chế biến đến tiêu thụ, bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, ở tỉnh đã có một số doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử Alibaba.com (nền tảng thương mại điện tử quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tuyến trên toàn cầu).
Bà Lê Thị Hồng Nhạn, ở thị trấn Cam Lộ là một trong những người đầu tư vào lĩnh vực trồng cây dược liệu quy mô lớn ở huyện Cam Lộ. Hơn bảy năm trước, được sự hỗ trợ của các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị và Ủy ban nhân dân huyện Cam Lộ, bà quyết định đầu tư mở trang trại trồng cây dược liệu có diện tích 5 ha ở vùng gò đồi xã Cam Tuyền.
Bà cho biết, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm thị trường, đặc biệt là từ khi tiếp cận sàn thương mại điện tử, sản phẩm cao dược liệu được bán ra ở nhiều địa phương trong cả nước và xuất khẩu qua thị trường Mỹ.
Tiêu Cùa và sản phẩm cao dược liệu ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) lên sàn thương mại điện tử.
Tháo gỡ khó khăn, tạo sự thông thoáng
Sàn thương mại điện tử đã và đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Trị trong việc quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các mặt hàng nông sản đặc trưng ở địa phương. Tuy nhiên, thực tế hàng hóa được đưa bán trên sàn thương mại điện tử mới dừng lại ở sản phẩm khô có hạn sử dụng, còn nông sản tươi sống, thực phẩm đông lạnh và rau củ tươi, sản phẩm có điều kiện về bảo quản vẫn chưa thực hiện được.
Khó khăn nhất vẫn là quá trình vận chuyển, bảo quản nông sản tươi, nông sản đã chế biến bảo quản lạnh đến tay người tiêu dùng… bởi các mặt hàng này không thể vận chuyển qua đường bưu chính của đơn vị chủ sàn giao dịch.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết: Tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo và mở các sàn giao dịch thương mại điện tử để các sản phẩm của các hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ gia đình được kết nối lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Sản phẩm được kết nối với thị trường, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi cung ứng cũng như tiêu thụ ở thị trường trong nước và nước ngoài.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND về việc hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Quảng Trị.
Mục đích là hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thúc đẩy đổi mới phương thức mua và bán trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số...
Quảng Trị phấn đấu đến năm 2025 có 70% số cơ sở sản xuất, kinh doanh có đủ điều kiện, có sản phẩm đạt các chứng chỉ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, được đào tạo tập huấn về kỹ năng số, kỹ năng hoạt động trên không gian mạng và 80% số cơ sở sản xuất, kinh doanh có gian hàng số trên sàn thương mại điện tử; 100% số sản phẩm OCOP, 50% số sản phẩm nông nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm được quảng bá, giới thiệu và gắn mác thương hiệu trên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên sàn thương mại điện tử ở 63 tỉnh, thành phố và 5 quốc gia; 70% số hạng mục thông tin được cung cấp qua sàn thương mại điện tử/app di động đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh; 50% số cơ sở sản xuất, kinh doanh có tài khoản thanh toán điện tử; 100% số hộ gia đình có địa chỉ số trên nền tảng bản đồ số Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế (VNPost); 50% số hộ gia đình có tài khoản thanh toán điện tử, ví điện tử tại các xã, phường, thị trấn do VNPost, ViettelPost triển khai…
Theo Nhân Dân