Ảnh: Thành Đạt
Chính sách ưu đãi người có công đóng vai trò quan trọng trong việc công nhận và tôn vinh những người đã cống hiến, hy sinh cho đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dù đã được sửa đổi nhiều lần, vẫn còn những quy định bất cập, gây khó khăn cho việc thực hiện, ảnh hưởng quyền lợi của liệt sĩ và thân nhân.
Tôi cứ ám ảnh mãi hình ảnh cụ Dương Văn Phủng, 97 tuổi, ngồi cặm cụi ký đơn đề nghị đính chính thông tin mộ liệt sĩ.
Cụ Phủng là cha liệt sĩ Dương Trung Dũng. Giống như nhiều gia đình trải qua chiến tranh, nỗi đau, mất mát lớn nhất của gia đình cụ là khi nhận được tin con qua “Giấy báo tử”.
Theo Giấy báo tử, liệt sĩ Dương Trung Dũng, sinh năm 1950, nguyên quán: Bình Vọng, Bạch Ðằng, Thường Tín, Hà Tây, nhập ngũ tháng 5/1967, hy sinh ngày 10/10/1969.
Hai năm trước, cụ Phủng được biết, tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ðô Lương, tỉnh Nghệ An, có ngôi mộ ghi thông tin: Liệt sĩ Lương Chung Dũng, quê quán: Bạch Ðằng, Thường Tín, Hà Tây. Nhưng xã Bạch Ðằng không có liệt sĩ Lương Chung Dũng, vì vậy cụ Phủng tin tưởng đây là mộ con trai mình và có đơn đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội điều chỉnh thông tin mộ liệt sĩ.
Tuy nhiên, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội căn cứ Nghị định số 131/2021/NÐ-CP ngày 30/12/2021 trả lời: không có quy định về quy trình, thủ tục đính chính đối với các trường hợp thông tin trên bia mộ liệt sĩ có sự sai lệch so với thông tin trong hồ sơ gốc của liệt sĩ.
Trong gần 12.000 mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt-Lào có tới 7.000 mộ thiếu thông tin. Trên cả nước, hiện hàng chục nghìn ngôi mộ có tên liệt sĩ, nhưng thiếu một phần hoặc toàn bộ thông tin; hoặc sai một phần trong tên, họ, tên đệm, quê quán, ngày hy sinh...
Hàng chục năm qua, nhiều thân nhân liệt sĩ chỉ có thể đến thăm viếng, mà không thể làm thủ tục điều chỉnh, bổ sung thông tin liệt sĩ, trong đó có những trường hợp, bằng phương pháp thực chứng đã xác định được danh tính liệt sĩ, nhưng do vướng mắc về thủ tục cho nên không được giải quyết. Họ vẫn ngày đêm mỏi mòn lấy những thông tin trên tờ giấy đã ố màu, mờ chữ để đi nhờ giải mã, tìm thông tin, với hy vọng tìm được phần mộ liệt sĩ của gia đình.
Gần 20 năm làm công việc thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, trợ giúp pháp lý để gia đình nhận mộ, di chuyển mộ, bà Ngô Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm MARIN cho biết, hiện nay, việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin, sai thông tin hoặc vừa sai vừa thiếu thông tin đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là hiện mới chỉ có quy định cơ quan chức năng tổ chức thực hiện việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin hoặc chưa có thông tin, nên những trường hợp hài cốt liệt sĩ sai thông tin đã không được cơ quan chức năng tiến hành thủ tục xác định danh tính liệt sĩ.
Một vấn đề cần khắc phục nữa là việc chậm trễ trong giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ. Ðơn cử trường hợp quân nhân Trần Văn Muôn, hy sinh đã hơn 50 năm, nhưng đến nay chưa được công nhận liệt sĩ.
Theo bản danh sách tổng hợp quân nhân hy sinh, từ trần tại Viện K20, giai đoạn từ năm 1971-1972 do Cục Chính sách-Tổng cục Chính trị quản lý để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và cung cấp thông tin liệt sĩ cho biết: quân nhân Trần Văn Muôn, sinh năm 1938; quê quán: Quách Văn Hiển, Ngọc Hiển, Bạc Liêu (nay là xã Quách Phẩm, huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau); nhập ngũ đi B tháng 4/1961; chức vụ: Tiểu đội trưởng; đơn vị V104/F7, B2; ngày hy sinh: 9/5/1971; trường hợp hy sinh: sốt rét; nơi hy sinh, an táng ban đầu: Viện K20.
Kết quả xác minh của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cho biết những thông tin liên quan trường hợp hy sinh của ông Trần Văn Muôn là chính xác và đủ cơ sở pháp lý, đủ điều kiện công nhận liệt sĩ. Tháng 6/2021, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau có công văn kèm theo hồ sơ gửi Quân khu 9 đề nghị kiểm tra, thẩm định hồ sơ xác nhận liệt sĩ đối với ông Muôn. Tuy nhiên, đến nay ông Trần Văn Muôn vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ.
Hay trường hợp sáu quân nhân Bộ đội Biên phòng hy sinh đã được các cấp có thẩm quyền, Bộ Quốc phòng xác minh, xem xét, lập hồ sơ, có văn bản đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công từ tháng 3/2021 đến tháng 11/2022, nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết, trả lời theo quy định. Ðó là các quân nhân: Lò Thanh Chuyên, Ðồn Nà Bủng (tỉnh Ðiện Biên); Nguyễn Hữu Trường và Lê Phước An, Ðồn Ba Nang (tỉnh Quảng Trị); Bùi Viết Thanh, Ðồn Leng Su Sìn (tỉnh Ðiện Biên); Tống Văn Trung, Ðồn Pa Ủ và Tẩn Lao Sủ, Ðồn D19 (tỉnh Lai Châu).
Ðể kịp thời tôn vinh và tri ân những người đã cống hiến, hy sinh cho đất nước, bảo đảm công bằng về quyền lợi đối với các gia đình liệt sĩ, các cơ quan chức năng cần điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi kịp thời các quy định pháp luật, sớm khắc phục những bất cập, chậm trễ trong việc thực hiện các chế độ, chính sách nêu trên.
Theo Nhân Dân