Thực hiện nếp sống văn minh

24/07/2023 - 06:49

 - Việc tổ chức lễ cưới, lễ tang vừa kế thừa truyền thống phong tục, tập quán, mang bản sắc riêng của các dân tộc, vừa được cải biến phù hợp sự phát triển của xã hội. Vì vậy, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là việc làm cần thiết, thể hiện nhận thức về văn hóa của cộng đồng và năng lực quản lý, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương…

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Nguyễn Khánh Hiệp, đơn vị đã ban hành Hướng dẫn 286/HD-SVHTTDL, ngày 27/9/2016 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh và lồng ghép những nội dung này vào tiêu chuẩn, tiêu chí để xét, công nhận các danh hiệu văn hóa, như: Gia đình văn hóa, khóm/ấp văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới, phường/thị trấn văn minh đô thị, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa… và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị đến Ban Chỉ đạo công tác gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp, ban, ngành, đoàn thể và đoàn viên, hội viên ở cơ sở... Xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện sát với tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, phổ biến rộng rãi chủ trương này đến từng hộ gia đình, cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện trước để nhân dân noi theo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, những năm qua, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo và phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Theo đó, việc cưới được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, văn minh, tiết kiệm tiền bạc và thời gian, không phô trương hình thức, lãng phí; phù hợp phong tục, tập quán tốt đẹp của từng dân tộc trên địa bàn tỉnh. Người dân chấp nhận, tiếp thu những cái mới; tệ tảo hôn, thách cưới được hạn chế; đơn giản hóa về thủ tục (nghi lễ cưới hỏi cũng được giảm bớt), quy mô phù hợp thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của gia đình, địa phương và sự tiến bộ của xã hội.

Những nghi lễ chính, như: Chạm ngõ, lễ hỏi, rước dâu được tổ chức đơn giản, nội dung gọn nhẹ, trang phục của cô dâu, chú rể lịch sự và giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc; việc cưới được nhân dân tuân thủ pháp luật nhà nước, Luật Hôn nhân và gia đình, chấp hành Luật Giao thông đường bộ, giữ gìn an ninh, trật tự công cộng trong đưa đón dâu, hạn chế lấn chiếm lòng đường khi dựng cổng cưới, hát karaoke âm thanh lớn; việc đãi tiệc, ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tình trạng lợi dụng tổ chức đám cưới để kinh doanh, vụ lợi giảm rõ rệt; loại bỏ nhiều hủ tục, nghi thức rườm rà… Các khóm, ấp lập sổ ghi chép theo dõi tổ chức việc cưới văn minh, tiết kiệm… để làm cơ sở cho việc bình xét gia đình văn hóa, khóm, ấp văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn văn minh đô thị hàng năm. Năm 2022, trong tỉnh có 4.230 đám cưới tổ chức văn minh và 639 đám cưới tổ chức chưa văn minh.

Việc tang lễ có chuyển biến tích cực, thực hiện nếp sống văn minh, được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, phù hợp thuần phong, mỹ tục và quy định của pháp luật. Tang chủ thực hiện nghiêm thủ tục khai tử, hình thức hỏa táng được nhiều gia đình lựa chọn để tiết kiệm đất đai và tiền bạc.

Các nghi lễ tang chế truyền thống như 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, cải táng được tổ chức gọn trong nội bộ gia đình, họ tộc; tang phục và bài trí theo phong tục truyền thống của từng dân tộc và tôn giáo; ăn uống trong việc tang được giản tiện, tiết kiệm, gọn nhẹ, không kéo dài nhiều ngày ảnh hưởng đến hàng xóm; nhiều đám tang sử dụng băng đĩa nhạc tang thay cho đội nhạc tang.

Việc mai táng có xu hướng nhanh gọn, đảm bảo thời gian; một số địa phương có đầu tư xây dựng nhà hỏa táng, quy hoạch, xây dựng khu nghĩa trang riêng (TP. Long Xuyên), liên kết các xã gần để xây dựng nghĩa trang xa khu dân cư, nguồn nước, để đảm bảo việc chôn cất tập trung và vệ sinh môi trường; không rải vàng mã trên đường đưa tang...

Các khóm, ấp lập sổ ghi chép theo dõi tổ chức việc tang văn minh, tiết kiệm… để làm cơ sở cho việc bình xét gia đình văn hóa, khóm, ấp văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn văn minh đô thị hàng năm. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 5.250 đám tang tổ chức văn minh và 326 đám tang tổ chức chưa văn minh.

“Nhìn chung, việc triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, đã làm chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của nhân dân, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, người dân đa số đồng tình hưởng ứng, thực hiện nếp sống văn minh và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các ngành chức năng tăng cường quản lý nhà nước, thường xuyên kiểm tra việc tổ chức việc cưới, việc tang ở các địa phương, hộ gia đình, khu dân cư... kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, những việc làm sai trái, những hiện tượng tiêu cực.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò gương mẫu để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết.

MINH THƯ