Thực hiện nghiêm sự chỉ đạo về ứng phó với bão số 8

22/10/2020 - 15:20

Tuy bão số 8 sẽ không gây mưa lớn như các cơn bão vừa qua (bão số 6, số 7) nhưng sẽ gây gió mạnh kèm dông, lốc trên các vùng biển rất nguy hiểm đối với tàu, thuyền, các hoạt động nuôi trồng thủy sản.


Rọ thép cùng đá to được dùng để khắc phục điểm sạt lở tại kè Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 22-10, phát biểu kết luận trong cuộc họp tại Hà Nội về các biện pháp ứng phó với cơn bão số 8, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), yêu cầu các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư; Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Công điện số 29 /CĐ-TWPCTT ngày 19/10 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Công điện số 30/CĐ-TW ngày 20-10 của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Phối hợp chặt chẽ trong quản lý tàu, thuyền

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn) và các địa phương thực hiện tốt việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền.

"Đối với các tàu còn nằm trong khu vực nguy hiểm đề nghị các lực lượng chức năng có biện pháp thông tin, kêu gọi chủ tàu và phương tiện tránh trú, di chuyển vào vị trí an toàn. Bộ Tư lệnh Bộ đôi Biên phòng và Tổng cục Thuỷ sản cần cung cấp danh sách các tàu còn nằm trong khu vực nguy hiểm cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai," Phó Chánh Văn phòng Vũ Xuân Thành nhấn mạnh.

Bão số 8 có sự tăng cấp nhưng khả năng suy yếu khi vào gần bờ

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm, sáng 22-10, bão số 8 mạnh cấp 10, giật cấp 13, bão có sự tăng cấp nhanh nhưng có khả năng suy yếu khi vào gần bờ sau khi đi qua quần đảo Hoàng Sa.

Ông Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh: "Bão số 8 vẫn là cơn bão phức tạp, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến của bão, tuy bão số 8 sẽ không gây mưa lớn như các cơn bão vừa qua (bão số 6, số 7) nhưng sẽ gây gió mạnh kèm dông, lốc trên các vùng biển rất nguy hiểm đối với tàu, thuyền, các hoạt động nuôi trồng thủy sản ven bờ. Đây là gió hoàn lưu sau bão và hoạt động mạnh của gió mùa Đông Bắc."

Từ ngày 22 đến 23-10, nhiều khu vực giảm mưa hoặc hầu như không mưa, một số khu vực có nắng.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng mưa do hoàn lưu sau bão số 8 trong 3-4 ngày tới (từ ngày 24 đến 26-10) tại khu vực miền Trung.

"Hiện tại, ngoài xa ở phía Đông Philippines đang hình thành một nhiễu động trên nền dải hội tụ nhiệt đới và có thể phát triển thành áp thấp nhiệt đới, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đang theo dõi chặt chẽ và sẽ thông tin khi có dấu hiệu hình thành áp thấp nhiệt đớivà đi vào Biển Đông," ông Lâm lưu ý.

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng Phòng Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết tính đến 6 giờ ngày 22-10, lực lượng biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.477 tàu với 289.299 lao động biết về diễn biến của bão để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm, trong đó, hoạt động ở khu vực Hoàng Sa có 19 phương tiện với 187 lao động.

"Hiện có 1 tàu của tỉnh Bình Định mang số hiệu BĐ 97126/TS đang ở trong vùng nguy hiểm, lực lượng chức năng đã liên hệ được với chủ tàu và đề nghị tàu di chuyển vào vị trí an toàn để tránh trú. Việc này cho thấy, cần tiếp tục siết chặt việc quản lý tàu, thuyền đồng thời có cơ chế xử lý nghiêm đối với các tàu, chủ tàu không tuân thủ công tác đảm bảo an toàn khi có thiên tai," ông Hưng nêu rõ.

Thông tin từ đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hiện nay một số vùng bị ngập nặng ở các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình bị mất liên lạc.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công điện số 10 ngày 21-10, chỉ đạo các trạm viễn thông lân cận tăng công suất phát sóng để phủ sóng đối với các khu vực khu vực mất liên lạc nhằm đảm bảo vấn đề liên lạc, thông tin.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tăng cường lực lượng đến các khu vực giao thông xung yếu. Các khu vực ngập sâu sẽ chờ nước rút để tiến hành khắc phục hậu quả, đảm bảo thông tuyến.

Hỗ trợ khắc phục hậu quả

Đại diện Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết ngày 22-10, Ủy ban sẽ hỗ trợ 59 tấn lương khô, 200 máy phát điện và 200 xuồng máy cho các tỉnh miền Trung.

Sáng 21-10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tiếp nhận hàng hỗ trợ từ Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA) hơn 30 tấn hàng, trong đó có 1.000 bộ sửa chữa nhà cửa và 1.300 bộ nhà bếp để chuyển cho tỉnh Thừa Thiên-Huế và tỉnh Quảng Trị.

Cùng ngày, Quân khu 4 đã hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt 13 tấn lương khô (Huế tiếp nhận 4,5 tấn; Quảng Trị 2 tấn; Quảng Bình 3 tấn; Hà Tĩnh 3 tấn...); 1 tấn gạo; 41 xuồng HT 67; 270 áo phao; 3.500 áo mưa; 5.500 túi đựng đồ; 15 nhà bạt gia đình; 1.800 khẩu trang.

Quân khu 4 cũng huy động nhiều lực lượng, phương tiện để tham gia cứu hộ, cứu nạn tại khu vực miền Trung.

Theo THẮNG TRUNG (TTXVN/Vietnam+)